Lý do Nga vẫn mua được hàng triệu chip vũ khí dù bị trừng phạt
Quốc tế - Ngày đăng : 03:00, 06/02/2023
Đài truyền hình Hà Lan NOS và Nieuwsuur mới đây đã công bố một cuộc điều tra chung về việc chip do các công ty Hà Lan sản xuất vẫn đến được Nga bất chấp lệnh trừng phạt. Theo NOS, hàng trăm đơn hàng chứa hàng triệu con chip đã được xuất khẩu qua bên trung gian để cuối cùng đến tay 3 công ty Nga.
Ba công ty trên thuộc khu liên hợp công nghiệp quân sự Nga và nằm trong danh sách trừng phạt của phương Tây. Đáng chú ý, số chip được Nga nhập khẩu mỗi tháng lên tới vài triệu. Và, như lẽ đương nhiên, chip "Hà Lan" cũng được tìm thấy trong vũ khí của Nga.
Theo Defense Express, chip do công ty NXP và Nexperia của Hà Lan sản xuất được tìm thấy trong tên lửa hành trình, trực thăng tấn công Ka-52, "một loại pháo tự hành" (có thể là 2S19 Msta-SM2) của Nga và một trong các máy bay không người lái kamikaze do Iran sản xuất.
Để sản xuất tên lửa, máy bay cá sấu Kamov Ka-52 (ảnh) và các loại vũ khí khác, Nga được cho là đã mua hàng triệu con chip phương Tây thông qua nước trung gian. |
Viện nghiên cứu RUSI (Anh) ước tính, các con chip có "gốc Hà Lan" chiếm ít nhất 10/27 vị trí quan trọng trong danh mục thiết bị điện tử lưỡng dụng của Nga. "Chip Hà Lan thường được tìm thấy trong hầu hết máy bay không người lái quân sự ở Nga", James Byrn - Trưởng nhóm nghiên cứu phân tích và tình báo nguồn mở của RUSI, nói.
Bất lực với bên thứ ba trung gian
Theo những người phát ngôn, các công ty Hà Lan tuân thủ quy tắc trừng phạt và không kinh doanh với Nga. Khách hàng của họ cũng không được phép bán chip cho Nga. Tuy nhiên, họ nói bản thân bất lực nếu số lượng chip khổng lồ được sản xuất trên toàn cầu mỗi năm vẫn đến được Nga thông qua thương mại song song.
Số liệu điều tra cho biết, riêng tháng 11/2022, Nga nhập ít nhất 2 triệu con chip, với 60.000 trong đó do NXP và Nexperia sản xuất. Hiện, chưa rõ bao nhiêu phần trăm được sử dụng để sản xuất vũ khí cho chiến sự Nga - Ukraine và bao nhiêu dùng sản xuất sản phẩm dân sự.
Theo các nhà điều tra khẳng định dòng hàng điện tử nhập vào Nga vẫn ở mức cao bất chấp lệnh trừng phạt. Họ cho biết, một quốc gia khác đã làm "trung gian" nhập thiết bị điện tử châu Âu với số lượng lớn rồi "chuyển" sang Nga. Trong đó, hầu hết thương nhân châu Á mua chip Hà Lan rồi bán lại cho Nga với giá cao, do không bị vướng lệnh trừng phạt.
Dữ liệu điều tra cho biết, bên trung gian lớn nhất về chip Hà Lan là Sinno Electronics của Trung Quốc. Song, khác với Washington, Brussels vẫn chưa áp trừng phạt với Sinno. Công ty này đã được yêu cầu bình luận về vấn đề mua bán chip, nhưng từ chối trả lời.
Ngoài ra, để bí mật thực hiện giao dịch, các con chip có thể được vận chuyển như hàng "thông thường" qua các hãng bưu chính quốc tế. Từ đó, có thể thấy, biện pháp trừng phạt thứ cấp của các nước phương Tây không có tác dụng và điều này đã cho phép Nga tiếp tục hoạt động.
Dẫn lời Alena Popova - thành viên nhóm chính sách công tại Trung tâm Wilson, một chính trị gia đối lập người Nga, tờ The Hill cho biết nhiều nước vẫn sẵn sàng giúp đỡ Nga. Bên cạnh Trung Quốc, vẫn có các nước trung gian khác mà thông qua đó các công nghệ lưỡng dụng phương Tây tiếp tục được nhập vào Nga. Và, dù chuỗi cung ứng vi phạm chế tài đã bị phát hiện, nó vẫn tồn tại.
Một con chip của Texas Instruments được tìm thấy trên bảng mạch tên lửa 9M727 của Nga được trục vớt từ chiến trường Ukraine. Ảnh: Reuters/Valentyn Ogirenko. |
Cấm vận hiệu quả trong... vài tháng
Trên thực tế, việc nhập khẩu chip vào Nga đã bị cấm vận ngay sau khi chiến sự bùng nổ. Theo đó, các nhà cung cấp chip hàng đầu của phương Tây là AMD và Intel đã ngừng cung cấp chip của họ cho Nga. Đài Loan cũng từ chối cung cấp chip Elbrus và Baikal đã sản xuất cho Nga. Đến tháng 7/2022, đến lượt Bộ Thương mại Mỹ thông báo giảm 90% lượng xuất khẩu chất bán dẫn sang Nga - điều đã khiến việc sản xuất ô tô tại đây bị đình chỉ vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của phương Tây chỉ khiến nguồn cung sụt giảm tạm thời, khi Điện Kremlin đã nhanh chóng giải quyết được vấn đề chỉ trong vài tháng. Tờ The Hill dẫn nguồn từ hải quan Nga cho biết, thông qua trung gian ở các nước đồng minh, Nga đã bắt đầu nhập một lượng chip kỷ lục từ mùa thu năm ngoái.
Theo The Hill, việc vận chuyển chip phương Tây tới Nga qua trung gian chủ yếu đến từ Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Đơn cử như AZU International - công ty vừa đăng ký kinh doanh tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3/2022. Mô tả mình là công ty bán buôn sản phẩm công nghệ thông tin, AZU International đã bắt đầu chuyển linh kiện máy tính của Mỹ sang Nga chỉ một tuần sau khi đi vào hoạt động.
Và, hồ sơ hải quan Nga được hãng tin Reuters thu thập cho thấy hoạt động kinh doanh của công ty diễn ra rất thuận lợi. Trong 7 tháng sau đó, công ty này đã xuất khẩu lượng linh kiện trị giá ít nhất 20 triệu USD sang Nga, gồm chip từ các nhà sản xuất Mỹ.
Hơn nữa, nhà sáng lập của AZU International - Gokturk Agvaz, một doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ, còn quản lý một hãng bán buôn sản phẩm công nghệ thông tin khác ở Đức có tên Smart Impex GmbH.
Trước chiến sự, hồ sơ hải quan Nga cho thấy công ty này đã vận chuyển sản phẩm từ Mỹ và các sản phẩm khác cho một khách hàng ở Moskva mà gần đây đã nhập hàng từ AZU International.
Đến tháng 10/2022, Agvaz nói Smart Impex đã ngừng xuất khẩu sang Nga để tuân thủ lệnh trừng phạt của EU nhưng lại bán cho Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia không thuộc EU và không thực thi hầu hết cấm vận của phương Tây với Nga.
"Chúng tôi không thể xuất khẩu sang Nga, chúng tôi không thể bán cho Nga và đó là lý do chúng tôi chỉ bán cho Thổ Nhĩ Kỳ", Agvaz nói. Khi được Reuters hỏi về việc bán hàng của AZU International cho Nga, ông trả lời: "Đây là bí mật kinh doanh của chúng tôi".
Lực lượng cứu hộ làm việc tại một tòa nhà dân cư bị hư hại nặng nề do cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga ở Zaporizhzhia hồi tháng 10. Ảnh: Reuters/Stringer |
Và, AZU International hay Sinno Electronics chỉ là 2 ví dụ cho thấy việc các kênh cung ứng chip đến Nga vẫn hoạt động bất chấp trừng phạt.
Hơn 9 tháng chiến sự, Nga đã có thể "lách luật" để mua 777 triệu USD thiết bị vi điện tử phương Tây, từ Intel, AMD, Texas Instruments, Analog Devices của Mỹ cho đến Infineon AG của Đức. Từ ngày 1/4 đến 31/10 năm ngoái, Nga đã mua ít nhất 457 triệu USD chip Intel. Kết quả, các con chip phương Tây rốt cục được tìm thấy trong máy bay không người lái mới sản xuất của Nga lẫn các các hệ thống vũ khí khác.
Cần biết rằng, bộ máy quân sự và nền kinh tế Nga hoạt động dựa trên chip phương Tây và Điện Kremlin hiện không có lựa chọn thay thế nào. Do đó, việc thiếu chip có thể là một trong những yếu tố quan trọng để chấm dứt chiến sự, nhưng điều này đã không xảy ra. Chiến sự rồi sẽ kết thúc, nhưng dường như sẽ không phải vì lý do Nga cạn kiệt công nghệ để cung cấp cho lực lượng của mình.