5 giải pháp cho mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông miền Trung
Bất động sản - Ngày đăng : 06:00, 07/02/2023
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của vùng.
Để đạt được các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo động lực tăng trưởng cho vùng, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất một số giải pháp.
Thứ nhất, cần đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng trong quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, tăng năng lực cạnh tranh vùng; đầu tư kết cấu hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế biển, mở rộng quan hệ đối ngoại, nhất là với nước bạn Lào và các nước trong tiểu vùng sông Mekong.
Thứ hai, cần đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh, thành phố, đặc biệt là các công trình đường bộ, đường thủy nội địa, hàng không để phát huy tính chủ động của các địa phương trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Thứ ba, đa dạng nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để huy động vốn tư nhân, vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các nguồn lực để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, có vai trò động lực, lan tỏa, liên kết vùng, kết nối các cảng biển và cửa khẩu quốc tế; kết hợp hiệu quả nguồn vốn Trung ương và địa phương với nguồn vốn huy động ngoài ngân sách.
Thứ tư, các địa phương sớm hoàn thành quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng, khai thác có hiệu quả quỹ đất sau khi các dự án kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư; kiện toàn bộ máy đủ năng lực để làm cơ quan chủ quản và chủ đầu tư các dự án đường bộ cao tốc; chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng và quản lý chặt chẽ hành lang an toàn giao thông.
Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, logistics triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; ứng dụng công nghệ trong tổ chức, điều hành giao thông, giảm ùn tắc tại khu vực ra vào đầu mối vận tải lớn (cảng biển, cảng hàng không).
Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước cùng với sự nỗ lực, quyết liệt, năng động, sáng tạo của các địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, Bộ Giao thông Vận tải tin tưởng rằng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ sẽ có một hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng và hạ tầng kinh tế xã hội nói chung đồng bộ, hiện đại, hoàn thành mục tiêu Bộ Chính trị đặt ra tại Nghị quyết số 26-NQ/TW.