Tạo động lực tăng trưởng từ mục tiêu giải ngân 95% đầu tư công
Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 10/02/2023
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) |
* TP.HCM đặt mục tiêu trong quý I/2023 sẽ hoàn thành đề xuất nâng trần đầu tư công, ban hành bộ tiêu chí thu hút vốn FDI, ông đánh giá việc này như thế nào?
- Tôi nghĩ đây là một sự tích cực cho TP.HCM và khu vực miền Đông Nam Bộ. Bởi TP.HCM giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế. Vừa qua, động lực tăng trưởng của cả nước và TP.HCM chưa đủ mạnh. Nếu nhìn căn cơ hơn như là vùng động lực để phát triển dài hạn cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề từ cơ chế chính sách đặc thù, từ phối hợp Trung ương, địa phương. Bản thân TP.HCM rất nỗ lực nhưng điểm nhấn có thể xem là quan trọng nhất đó là thúc đẩy hạ tầng từ đầu tư công và thu hút nguồn lực. Nhìn một cách rộng là thu hút nguồn lực có chất lượng, trong đó có đầu tư bên ngoài vào và đầu tư từ bên trong. Đầu tư có chất lượng sẽ có tính lan tỏa tốt từ đầu tư công nghệ đến đầu tư bền vững xanh... Do đó, những nỗ lực của TP.HCM cũng chính là nhằm vào những việc đó, đây là mục tiêu rất tích cực của TP.HCM. Tuy nhiên, thách thức còn nhiều. Tôi hy vọng với Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ trong đó, nhấn mạnh đến vai trò của TP.HCM; cùng với việc thông qua "Quy hoạch quốc gia và quy hoạch khác", trong đó có quy hoạch của TP.HCM, thì trong năm nay TP.HCM sẽ có được sự đột phá.
* Việc TP.HCM đặt mục tiêu sẽ giải ngân đầu tư công đạt 95% trở lên trong năm 2023 và ông Phan Văn Mãi đã tự hạ một bậc thi đua năm 2022 có ý nghĩa như thế nào, theo ông?
- Điều tích cực tôi nhìn thấy ở đây không đơn thuần là xếp hạng. Việc này cho thấy sự nghiêm khắc với bản thân của lãnh đạo thành phố và quan trọng hơn, điều đó thể hiện quyết tâm cho năm nay và những năm tiếp theo để đưa TP.HCM quay lại đúng với vị trí đô thị bậc nhất của cả nước. Vào thập niên 90, TP.HCM từng là một thành phố đầu tàu cho tăng trưởng và quan trọng hơn, thành phố chính là đầu tàu đổi mới và cải cách.
* Để có thể đạt được mục tiêu này so với con số thực hiện 68% giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, theo ông, TP.HCM chỉ siết kỷ cương với các sở, ban, ngành liệu đã đủ "ép phê”? Thành phố nên cần thêm những giải pháp gì?
- Tất nhiên để đạt được con số này không phải điều dễ dàng. Có thể nói, nhìn tổng thể, sự quyết liệt vào cuộc và công tác chuẩn bị cho đầu tư công vào hạ tầng cả nước, TP.HCM và nhiều vùng khác năm nay tốt hơn năm ngoái. Cho tới thời điểm này, vẫn còn rất nhiều thách thức, khó khăn. Cái khó khăn nhất thường được đề cập đó chính là cơ chế chính sách, dù đã giải tỏa được ít nhiều nhưng vẫn còn đó thách thức.
Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa Trung ương và địa phương chưa đồng bộ. Trong Nghị quyết 54 của Quốc hội về việc tạo cơ chế cho TP.HCM, thời gian vừa qua cũng đã được bàn rất nhiều, trong đó có tỷ lệ ngân sách để lại và quyền tự quyết những vướng mắc trong triển khai đâu tư công...
Ngoài ra, cùng với tâm lý e ngại trên cả nước về việc sợ trách nhiệm, thì đây chính là sáng kiến nhằm giải tỏa tâm lý này, để cán bộ thực thi công việc hiệu quả. Và như vậy, TP.HCM chính là một trong những nơi tạo ra được cơ chế đặc thù và hệ thống động lực đàng hoàng giúp bộ máy dám làm, dám đổi mới, có tính chất thúc đẩy đầu tư công phát triển.
* Cảm ơn ông!