TP.HCM với mục tiêu tăng trưởng năm 2023

Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 10/02/2023

Nhận diện nhiều khó khăn, thách thức ngay từ đầu năm 2023, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội...

Năm 2022, tăng trưởng kinh tế của TP.HCM đạt trên 9%, là mức tăng trưởng ấn tượng trong năm phục hồi kinh tế khi đại dịch Covid-19 được đẩy lui. 

Nhưng bước sang năm 2023, thống kê cuối tháng 1 cho thấy, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) ước tính giảm đến 21,4% so với tháng trước. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 22%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 12,8%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 8,4%; 30/30 ngành công nghiệp cấp 2 đều giảm so với tháng cuối năm 2022, trong đó có 15/30 ngành giảm trên 20%.

IIP trên địa bàn TP.HCM tháng 1 cũng giảm đến 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 15,6%; sản xuất và phân phối điện giảm 4,7%; cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 2,2%. IIP tháng 1 của 4 ngành công nghiệp trọng điểm cũng giảm 5,5% so cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, ngành sản xuất hàng điện tử giảm 34,3%, ngành cơ khí giảm 28,4%, ngành lương thực - thực phẩm và đồ uống tăng 22,5%, ngành hóa dược tăng 0,8%.

Các chỉ số khác cũng giảm so với tháng 12/2022. Chẳng hạn, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 1 ước tính giảm 18,9%. Tính chung tháng 1, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Đầu tư công được xem là động lực thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên tính đến ngày 31/1, tỷ lệ vốn đầu tư năm 2022 của TP.HCM chỉ đạt 68% với hơn 25.000 tỷ đồng, thấp hơn chỉ tiêu được giao hồi đầu năm 2022 đến 95%. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện TP.HCM đứng trong danh sách các địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới tỷ lệ trung bình của cả nước. Năm 2023, TP.HCM được giao hơn 70.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, gấp đôi năm ngoái. Điều đáng nói là trong số vốn đầu tư công này, nguồn vốn ngân sách trung ương là hơn 15.000 tỷ đồng, phần còn lại là ngân sách địa phương. Nhu cầu vốn rất lớn nhưng ngân sách phân bổ hạn hẹp đang là áp lực lớn cho đầu tàu kinh tế cả nước. 

-6437-1675925163.jpg

Cùng với đầu tư công, xuất khẩu và dịch vụ cũng đóng vai trò quan trọng để TP.HCM duy trì đà tăng trưởng. Tuy nhiên, những dự báo về kinh tế năm 2023 không mấy sáng sủa. Trong đó, tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp cả về chính trị, kinh tế, xã hội trong khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Trong nước, các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng lạm phát là rất lớn, nhất là biến động giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao, rủi ro về chuỗi cung ứng. Đó là chưa kể còn có tác động từ thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu...

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để TP.HCM duy trì đà tăng trưởng như năm 2022 là rất khó. Mặc dù TP.HCM đã hạ mục tiêu tăng trưởng năm nay còn 7,5-8% nhưng cũng sẽ khó đạt được nếu các sở, ngành không có giải pháp kết nối thị trường khi đơn hàng xuất khẩu các ngành hàng quan trọng tại nhiều doanh nghiệp đang sụt giảm từ 30-40%. Bên cạnh đó, việc tiếp cận tín dụng khó khăn, xung đột vũ trang ở một số nơi trên thế giới tác động mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng toàn cầu...

Nhận diện những thách thức phải đối mặt, ngay từ đầu năm 2023, lãnh đạo TP.HCM cùng với các cơ quan, ban ngành đã xây dựng nhiều giải pháp giải quyết cụ thể. Với đầu tư công, năm 2023, TP.HCM đặt mục tiêu nâng tỷ lệ giải ngân vốn đạt trên 95%. Thành phố xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng gắn với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Để làm được điều này, TP.HCM quyết tâm thay đổi cách đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ rất sớm. Nhờ thế, từ cuối năm ngoái, một loạt dự án tại thành phố đã được khởi công. 

Cùng với đó, UBND TP.HCM đã thành lập tổ công tác chuyên về giải quyết các vướng mắc, khó khăn của các dự án có cấu phần bồi thường để các sở, ngành tập trung hỗ trợ các đơn vị giải quyết. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, khối lượng các dự án giải phóng mặt bằng cũng như khối lượng các dự án có cấu phần bồi thường trong tổng khối lượng dự án chiếm khoảng 30% so với tổng kế hoạch vốn năm 2023. Từng quy trình sẽ được phân ra cụ thể, trách nhiệm của các cơ quan là phải hỗ trợ cho đơn vị giải phóng mặt bằng thực hiện nhanh các thủ tục này. 

Nhận diện những thách thức phải đối mặt, ngay từ đầu năm 2023, lãnh đạo TP.HCM cùng với các cơ quan, ban ngành đã xây dựng nhiều giải pháp giải quyết cụ thể. Với đầu tư công, năm 2023, TP.HCM đặt mục tiêu nâng tỷ lệ giải ngân vốn đạt trên 95%. Thành phố xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng gắn với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, theo Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ, ngành công thương thành phố đã cùng các hiệp hội ngành nghề hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường kết nối các nguồn nguyên liệu, giúp chi phí đầu vào giảm. Và trong nhiều chương trình xúc tiến thương mại, thành phố tài trợ, hỗ trợ về tổ chức và kinh phí nên cơ hội tìm kiếm thị trường trong nước của doanh nghiệp TP.HCM được gia tăng.

Trong khi đó, ngành du lịch đẩy mạnh quảng bá sản phẩm du lịch, đồng thời triển khai những phân khúc khách MICE, khách du lịch kết hợp với kinh doanh, đầu tư đối với các thị trường truyền thống, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Thông qua các hoạt động này sẽ giúp tăng số lượng du khách đến với TP.HCM cũng như tăng chi tiêu từ khách quốc tế.

Với những giải pháp trên, TP.HCM kỳ vọng các yếu tố dẫn dắt như đầu tư công, sản xuất, xuất khẩu, thương mại dịch vụ có thể tăng trưởng. Có như vậy, mục tiêu đặt ra của thành phố năm nay với mức tăng trưởng 7,5-8% mới có thể đạt được.

Hồng Nga