Đơn hàng đầu năm Quý Mão: Kẻ lao đao, người ung dung

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 09:00, 10/02/2023

Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) ngành dệt may, đồ gỗ sụt giảm đơn hàng nghiêm trọng vào đầu năm thì không ít DN ngành nhựa, tự động hóa vẫn khá "ung dung" vì đơn hàng cũ đủ cho hoạt động hết quý I/2023.

Đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng

Từ quý IV/2022, do tác động của tình hình thế giới và những biến động thị trường, nhiều DN lâm vào tình trạng "thừa thợ, thiếu đơn hàng". Đầu năm 2023, sau Tết Nguyên đán, tình hình vẫn không khả quan khi nhiều DN thiếu hụt đơn hàng nghiêm trọng, thậm chí không có đơn hàng. Nguyên nhân là do các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam như Mỹ, EU chịu ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái, nhu cầu tiêu dùng giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến DN làm hàng xuất khẩu và DN xuất khẩu Việt Nam.

Báo cáo của Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM cho thấy, do lạm phát tăng cao, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU lên tới 6-7% nên lượng hàng tiêu thụ giảm rõ rệt (châu Âu giảm 60%, Mỹ giảm 30-40%), hàng tồn kho tăng, chiếm 20-25% dẫn đến quý IV/2022 và quý I/2023 khách hàng hạn chế hoặc không đặt hàng. Vì thế, đơn hàng của ngành dệt may - thêu đan thành phố tháng 11 và 12 thiếu khoảng 35-50%, trong khi nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 40-50% so với mức bình thường. Hệ quả là nhiều DN phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất từ cuối năm 2022. 

Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, quý I/2023 rất ít DN nhận được đơn hàng cho năm 2023, trong khi những năm trước, thời điểm này nhiều DN đã nhận được đơn hàng cho quý I, quý II năm sau. Ông Việt cho biết thêm, hiện tại hàng tồn kho còn rất nhiều, là thách thức rất lớn đối với DN dệt may trong năm nay. 

DN ngành đồ gỗ cũng gặp phải cảnh tương tự khi quá thiếu đơn hàng. Theo số liệu, hiện tại 10% DN đồ gỗ còn 50% đơn hàng, 50% DN còn 30-40% đơn hàng, những DN còn lại không có đơn hàng. Đó là chưa kể nhiều DN hàng tồn kho tăng và thiếu dòng tiền.

-4254-1675927654.jpg

Giảm giá, trông chờ vào đơn hàng cũ

Trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, nhiều DN đành phải giảm giá tối đa sản phẩm để mong hòa vốn. Ông Quán Quang Diệu - Giám đốc Công ty TNHH MTV Sài  Gòn Mì nui chia sẻ, trước Tết, do lượng sản xuất nhiều, tiêu thụ chậm nên công ty ông tồn kho hơn 200 tấn mì. Để tiêu thụ hết số hàng này, ông đã phải giám giá 30% mới bán hết hàng trong kho. Hiện tại, đơn hàng mới chưa có, vì thế công ty chỉ tập trung sản xuất những đơn hàng cũ mà khách hàng đã đặt từ trước. 

Theo đại diện Công ty CP Nhựa Duy Tân, hiện tại công ty vẫn duy trì sản xuất tốt do những đơn hàng được đặt từ cuối năm ngoái, nhưng đơn hàng mới chưa nhiều. 

Trong lĩnh vực tự động hóa, ông Nguyễn Viết Toàn - Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật tự động ETEC cho biết: "Do các DN tự động hóa hoạt động liên quan đến các nhà máy sản xuất, thời gian qua, kinh tế khó khăn, họ không đầu tư nhiều nên DN tự động hóa cũng bị ảnh hưởng. DN chúng tôi làm hàng cho nhiều nhà máy da giày, nhưng DN da giày gặp khó nên chúng tôi cũng lao đao theo. Đơn hàng trong năm mới rất ít và nếu có cũng chỉ nhỏ lẻ. Tuy nhiên, cũng nhờ các đơn hàng ký trước Tết nên giờ chúng tôi vẫn hoạt động được".

Kiến nghị giảm thuế, giảm lãi suất

Theo ông Phạm Văn Việt, lãi suất ngân hàng không cao quá 10% thì DN mới làm ăn được. Tuy nhiên, hiện tại mọi chi phí sản xuất đều tăng mà lãi suất ngân hàng lại tăng cao, có ngân hàng lãi suất cho vay lên đến 13%, thậm chí 15%/năm. Bên cạnh đó, các chính sách khác cũng cần linh hoạt, như nên giảm thuế thu nhập cá nhân, trong khi dòng tiền còn khó thì nên gia hạn thuế VAT thêm một thời gian nữa.

Tại cuộc gặp của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) với lãnh đạo các hiệp hội DN hội viên vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA khẳng định, lãi suất tiền vay hầu hết đều trên 10%/năm là cản trở lớn đến kết quả kinh doanh của DN. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước cần huy động các nguồn vốn hiện có trong xã hội đưa vào kinh doanh nhằm hạ lãi suất. Việc khống chế tỷ lệ "biên độ lãi ròng" ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay. Để giải quyết tình hình hết sức khó khăn của DN, Nhà nước nên tiếp tục áp dụng thuế suất thuế GTGT 8% cho tất cả ngành kinh tế, không phải chỉ giới hạn ở một số ngành như hiện nay, thời hạn áp dụng tới hết năm 2023. Các loại thuế thu nhập DN, thuế tiêu thụ đặc biệt, tiền thuê đất cũng cần được xem xét miễn, giảm để chia sẻ khó khăn với DN. Chính phủ cần thực hiện luật thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu sửa đổi một cách triệt để, không để tình trạng nhập nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc thì thuế 0-10%, trong khi chế tạo máy trong nước phải nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện phụ tùng thì có thuế nhập khẩu lên đến 15% như hiện nay.

Theo ông Hòa, hầu hết DN khó tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng, lý do các ngân hàng đưa ra là hết room tín dụng, không có nguồn tiền gửi để cho vay, DN không có tài sản đảm bảo đáp ứng quy định. Ngân hàng Nhà nước cần nhận diện khó khăn để hỗ trợ DN bằng cách nới room tín dụng cho các tổ chức tài chính có tiềm lực tài chính lành mạnh, huy động các nguồn tiền gửi sẵn có chưa dùng tới của ngân sách nhà nước để cho vay, cũng như việc nới rộng các điều kiện cho vay, tỷ lệ thế chấp, cầm cố tài sản vay thì DN mới có dòng tiền luân chuyển để sản xuất, kinh doanh.

Tâm An