TS. Nguyễn Trí Dũng - Việt kiều Nhật Bản, Tổng giám đốc Công ty Minh Trân: Chung tay góp sức cho tương lai
Doanh nhân viết - Ngày đăng : 07:20, 10/02/2023
TS. Nguyễn Trí Dũng |
Nhìn lại quan hệ Việt Nam - Nhật Bản nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, ở góc độ kết nối kinh doanh có thể chia làm hai giai đoạn. Trong đó, 20 năm đầu là hàn gắn và vận động, giúp hai bên hiểu nhau hơn. Giai đoạn thứ hai là 30 năm sau, hai nước mới có được những hình thức hợp tác đầu tư, kinh doanh cụ thể. Ở đợt đầu tiên của giai đoạn hai đã có nhiều công ty Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Chúng ta dễ dàng nhận thấy, ở giai đoạn này có nhiều biển quảng cáo lớn ngoài trời tại Việt Nam là của doanh nghiệp Nhật.
Ở góc nhìn của tôi, những doanh nghiệp Nhật Bản qua đây chủ yếu để giải quyết vấn đề nhân công phục vụ sản xuất. 20 năm qua, doanh nghiệp hai nước đã chia sẻ kinh nghiệm hợp tác. Thông qua đó, doanh nghiệp Việt từng bước học hỏi được phong cách làm việc của người Nhật và có nhiều sản phẩm xuất khẩu qua Nhật Bản.
Tôi hy vọng, sau cột mốc 50 năm quan hệ ngoại giao, doanh nghiệp Việt tiếp tục vận dụng được các công nghệ hiện đại từ Nhật Bản để phục vụ thị trường nội địa. Bản thân người Nhật cũng mong muốn công nghệ của Nhật Bản hiện diện ở Việt Nam nhiều hơn. Và tỷ lệ sản phẩm nội địa cũng phải cao hơn. Quá trình hợp tác không chỉ đơn thuần chuyển giao công nghệ, mà thông qua đó, doanh nghiệp có thể tiếp cận tư duy sản xuất, văn hóa kinh doanh.
Để tăng cường hợp tác Việt - Nhật, Chính phủ Việt Nam cần có chính sách cụ thể khuyến khích doanh nghiệp có những sản phẩm tốt xuất khẩu sang Nhật Bản có thể mở rộng phục vụ thị trường trong nước và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đạt được tiêu chuẩn quốc tế. Chính phủ cũng nên tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp tiêu biểu định kỳ thay vì thông qua các hiệp hội.
Cùng với đó, Chính phủ tích cực xây dựng môi trường pháp lý linh hoạt, thích ứng với thời đại nhiều biến động như hiện nay. Các hiệp hội ngành nghề cần đổi mới cách hoạt động sao cho không có tính chất hành chính mà hướng đến phục vụ doanh nghiệp.
Bên cạnh sự hỗ trợ về mặt chính sách của Chính phủ thì bản thân doanh nghiệp phải tự mình thay đổi. Bởi việc tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn không chỉ một phía từ Chính phủ mà cần sự chung tay của doanh nghiệp.
Khi bản thân doanh nghiệp nhận trọng trách làm "đại sứ" của đất nước, nỗ lực học tập ngôn ngữ, văn hóa Nhật thì việc hợp tác kinh doanh mới có thể phát triển tốt đẹp và lâu bền.