Cần phải có một giám đốc kể chuyện trong doanh nghiệp

Sách hay - Ngày đăng : 08:00, 11/02/2023

Vốn đam mê đào tạo, sau khi tốt nghiệp đồng thời Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, chị Bùi Thị Ngọc Thu đã làm việc trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực cho nhiều doanh nghiệp và tổ chức khác nhau.

Sau hơn 15 năm hoạt động trong lĩnh vực đào tạo về giao tiếp, thuyết trình, chị Bùi Thị Ngọc Thu - Founder và CEO Học viện Đào tạo và Phát triển nhân lực Nora Academy cho biết, kỹ năng giao tiếp và thuyết trình hiệu quả là công cụ giúp doanh nhân tạo lợi thế cạnh tranh. Trong thời đại "bão thông tin” như hiện nay, phương thức kết nối mạnh mẽ nhất với khách hàng là kể chuyện. Đây là cách truyền tải thông điệp hấp dẫn hơn và có khả năng giúp ghi nhớ nhiều hơn so với việc cung cấp thông tin. Và chị Ngọc Thu là tác giả sách cuốn Nghệ thuật thuyết trình bằng câu chuyện.

* Điều gì thôi thúc chị viết cuốn sách Nghệ thuật thuyết trình bằng câu chuyện?

- Sau 15 năm chuyên đào tạo trong các doanh nghiệp, tôi mong muốn có thể đi dạy, có thể làm việc với nhiều doanh nghiệp khác. Và tôi kỳ vọng sẽ viết ra được một quyển sách sẽ giúp lan tỏa kiến thức đến nhiều người trong mọi thời điểm. Động lực lúc đó rất là cao nên tôi lao vào viết. Trong tháng đầu tiên, tôi viết rất miệt mài, nhưng sau một tháng, tôi không biết sẽ viết tiếp nội dung gì. Trong một lần dọn dẹp nhà cửa, tôi phát hiện có rất nhiều bản thảo mình đã viết trước đó, chủ đề Storytelling cũng là chủ đề mình yêu thích. 

Khi tôi lấy mục tiêu viết sách là trao giá trị, trao ý nghĩa đến cho cộng đồng thì tôi lên kế hoạch viết lách chỉn chu, dành thời gian mỗi buổi sáng viết sách, nghiên cứu và làm việc với những mentor, những người cố vấn của mình và những chuyên gia khác. Sau khi đi qua hành trình viết quyển sách đầu tiên chính là quyển Storytelling, đến nay tôi đã xuất bản được ba quyển sách và niềm đam mê viết lách không dừng lại ở đây. Chiêm nghiệm lại thì ý tưởng ban đầu viết sách chỉ để trở thành tác giả thực sự rất trẻ con, nhưng nếu lấy động lực lớn hơn là đem lại giá trị cho mọi người thì tôi có thể hoàn thành mục tiêu và duy trì đam mê.

Chị Ngọc Thu là tác giả sách cuốn “Nghệ thuật thuyết trình bằng câu chuyện”

Chị Ngọc Thu là tác giả sách cuốn Nghệ thuật thuyết trình bằng câu chuyện

* Theo hướng dẫn của chị, cách thuyết trình trước lãnh đạo phải ngắn gọn, sẵn sàng bị cắt ngang và phải chuẩn bị phụ lục để lãnh đạo có thể tham khảo. Dường như kỹ thuật thuyết trình bằng câu chuyện không thể ứng dụng được trong trường hợp này?

- Đây là câu hỏi rất thú vị vì nó phản ánh góc nhìn tương phản và khó có thể áp dụng được. Bởi vì đối với những người lãnh đạo trong doanh nghiệp, họ phải xử lý rất nhiều các việc khác nhau và những quyết định của họ có tầm tác động rất lớn. Rất nhiều học viên của tôi cũng chia sẻ là bây giờ sếp của em không có thời gian cho em nói và thường họ sẽ cắt ngang. Đó là một đặc điểm điển hình của nhà lãnh đạo trong doanh nghiệp. 

Thuyết trình bằng câu chuyện nghe có vẻ dài dòng, vì khi gặp sếp thì tôi phải đi thẳng vào vấn đề. Thực ra những quan điểm đó lại không hề mâu thuẫn. Mấu chốt là góc nhìn của chúng ta về nghệ thuật kể chuyện đang khác nhau chúng ta nghĩ rằng kể chuyện sẽ tốn thời gian và nghĩ rằng kể chuyện chỉ có trong phim. Nhưng sự thật không phải vậy. Đối với tất cả doanh nghiệp hiện nay, thậm chí những tập đoàn rất lớn mà chúng ta có thể thấy, họ có hẳn vị trí là giám đốc kể chuyện, chuyên kể các câu chuyện kinh doanh chỉ trong thời gian ngắn, thậm chí là 30 giây.

Như vậy, kể chuyện doanh nghiệp là một góc nhìn rất thú vị. Điểm then chốt là khi chúng ta gặp lãnh đạo, chúng ta biết lãnh đạo đó đang quan tâm đến nhân vật gì, đang quan tâm đến câu chuyện gì thì chúng ta sẽ đi thẳng vào câu chuyện đó, nhưng vẫn theo các nguyên tắc của kể chuyện. Trong quyển sách, tôi có chia sẻ về 9 cấu trúc kể chuyện rất hay và ngắn gọn để có thể áp dụng hiệu quả.

* Vị trí giám đốc kể chuyện có khác biệt gì so với các vị trí đang có tại các doanh nghiệp?

- Chúng ta có rất nhiều vị trí lãnh đạo trong doanh nghiệp, đòi hỏi năng lực riêng và khác biệt. Nhưng đâu là vị trí kết nối tất cả những vị trí đó lại với nhau? Giám đốc kể chuyện sẽ làm chuyện này. Tương tự như vậy, lúc Thu phát hành cuốn sách thứ hai là quyển Data Storytelling (kể chuyện bằng dữ liệu) thì mình làm việc với các giám đốc kể chuyện ở thị trường nước ngoài và đã thấy một góc nhìn rất hay. Ví dụ như một người là startup ở thị trường Singapore, các bạn có ý tưởng và đi trình bày cho các khách hàng ở các thị trường khác. Vậy người nào sẽ đi làm công việc trình bày đó? Họ có một vị trí là Data Storyteller.

Tôi từng làm việc với một chuyên gia về Data Storyteller ở thị trường Luxembourg. Giữ vai trò giám đốc kể chuyện, chị nói về những chiến lược và ý nghĩa thương hiệu cho đối tác và khách hàng. Khi họ nói như vậy thì khách hàng cảm thấy kết nối với doanh nghiệp. Như vậy có thể thấy, một người giám đốc kể chuyện vừa đóng vai trò truyền thông trong doanh nghiệp, đồng thời cũng là nhà truyền thông bên ngoài. Truyền thông của họ có ý nghĩa và có sức tác động lớn hơn. 

Một doanh nghiệp nếu đo lường tác động tạo ra dòng tiền thì giám đốc kể chuyện phải truyền thông làm sao để tạo ra tiền cho tổ chức. Ngoài ra, một giám đốc kể chuyện phải biết truyền thông để làm tăng chỉ số hài lòng của khách hàng, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Giám đốc kể chuyện là người phải tạo ra những thông điệp rất mạnh mẽ, đây là một vị trí cần thiết và là một xu hướng. 

* Một câu hỏi của bạn đọc: Trong sách Nghệ thuật thuyết trình bằng câu chuyện, chị lấy khá nhiều ví dụ từ những người nổi tiếng của nước ngoài, có phải các câu chuyện của Việt Nam chưa đủ hay?

- Tôi tin rằng quan sát và dễ dàng tìm kiếm thông tin của người nổi tiếng sẽ giúp cho các bạn học hỏi và áp dụng hiệu quả hơn, vì chúng ta có thể tra cứu những thông tin này, đọc lại các bài phát biểu của họ. Vì chưa có mấy ai phân tích các bài phát biểu của họ nên tôi quyết định chọn những nguồn tài nguyên phổ biến này để phân tích cho độc giả. 

Trong một góc nhìn khác, sách của tôi cũng có những ví dụ điển hình của một số thương hiệu tại thị trường Việt Nam, nhưng chỉ dừng ở lĩnh vực truyền thông, vì hiện nay chỉ có lĩnh vực này ứng dụng việc kể chuyện khá mạnh mẽ. 

Tôi đang viết Nghệ thuật bán hàng bằng câu chuyện, với nhiều nghiên cứu tại thị trường Việt Nam, như vậy sẽ cho chúng ta những góc nhìn đa chiều hơn về việc ứng dụng nghệ thuật thuyết trình bằng câu chuyện, trong rất nhiều các tình huống giao tiếp, chẳng hạn như bán hàng. 

Tôi tin rằng quan sát và dễ dàng tìm kiếm thông tin của người nổi tiếng sẽ giúp cho các bạn học hỏi và áp dụng hiệu quả hơn, vì chúng ta có thể tra cứu những thông tin này, đọc lại các bài phát biểu của họ.

"Tôi tin rằng quan sát và dễ dàng tìm kiếm thông tin của người nổi tiếng sẽ giúp cho các bạn học hỏi và áp dụng hiệu quả hơn, vì chúng ta có thể tra cứu những thông tin này, đọc lại các bài phát biểu của họ", chị Ngọc Thu chia sẻ

* Một câu hỏi khác: Như chị chia sẻ thì trong thế giới phẳng hiện nay, khách hàng rất thông minh và có nhiều thông tin hơn cả người bán, vậy thuyết trình bằng các câu chuyện đã đủ để thuyết phục họ mua sản phẩm hay chưa?

- Trong thời đại của chúng ta hiện nay thì mỗi khách hàng rất dễ có được bất kỳ một thông tin nào. Ví dụ như muốn mua một món đồ nào đó, họ có thể tìm kiếm trên mạng và thậm chí là xem review của các khách hàng khác. Chính vì vậy, tôi nhận thấy rằng thế giới của công nghệ thông tin và thế giới phẳng hiện nay đôi khi làm cho chúng ta ngộp vì lượng thông tin mà mình đang sở hữu.

Vậy làm thế nào để có thể khác biệt vượt trội trong một thế giới của bão thông tin? Những doanh nghiệp đang bán hàng, tiếp thị và truyền thông thì họ phải dùng một phương thức khác, theo tôi cách kết nối mạnh mẽ nhất với khách hàng chính là phương pháp kể chuyện.

Vì những câu chuyện sẽ khơi gợi sự tò mò của khán giả và mọi người sẽ quan sát xem chuyện gì đang xảy ra. Câu chuyện là một phương tiện rất thú vị và sẽ giúp chúng ta truyền tải thông điệp tốt hơn, vượt trội hơn và có khả năng được ghi nhớ nhiều hơn. 

* Xin cảm ơn chị!

DNSG