Hai thái cực trái chiều của doanh nghiệp
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 01:00, 11/02/2023
"Dễ thở" với nhân sự...
Chỉ trong tuần làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, Công ty May mặc Dony đã ký được ba đơn hàng, tăng 100% so với cuối năm ngoái. Nhờ vậy, dây chuyền sản suất có thể hoạt động đến hết tháng 6. Nhưng không như mọi năm chờ khách hàng tìm đến nhà máy, đích thân ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty Dony ra nước ngoài tiếp cận đối tác với mức giá cạnh tranh. Đáp ứng những đơn hàng mới, khách hàng mới, Công ty Dony đưa chỉ tiêu tuyển dụng thêm 20% lao động. Tuần qua, công ty đã tuyển dụng được 50% số lao động theo nhu cầu. Theo ông Quanh Anh, việc tuyển dụng năm nay "dễ thở" hơn khi công ty chưa đăng tuyển nhưng đã có lao động tìm đến.
Ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết, năm nay không bị tình trạng "mất người sau Tết" và cũng không bị áp lực khi tuyển lao động. Hiện 98% người lao động của công ty đã trở lại làm việc. Tiếp tục kế hoạch sản phẩm mới của năm 2022, đầu năm nay, công ty tuyển thêm một số công nhân lành nghề. Tuy nhiên, do cuối năm 2022 Vĩnh Thành Đạt đã tăng lương 10% và nhiều đãi ngộ tốt đối với người lao động nên năm 2023 chưa có kế hoạch điều chỉnh chính sách lương và phúc lợi.
Cũng như nhiều DN chuyên xuất khẩu, Công ty Tân Quang Minh đang cấp tập sản xuất cho những đơn hàng sau Tết. Ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty Tân Quang Minh chia sẻ, do nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu, DN vừa phải giữ chân người lao động cũ vừa tuyển thêm hơn 100 công nhân. Năm 2023, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu gấp đôi năm ngoái nên
ngay từ sau Tết đã gia tăng công suất. Hiện người lao động phải sản xuất ba ca mỗi ngày để kịp đơn hàng đã ký với các đối tác. "Năm nay chúng tôi mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó có hai thị trường khó tính là Nhật bản và Singapore, vì thế cần thêm nhiều lao động. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận những người mất việc ở ngành may, da giày, đồ gỗ bất cứ khi nào", ông Nguyễn Đặng Hiến cho hay.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, từ nay đến tháng 6, nhu cầu lao động của khối DN sản xuất tại thành phố là khoảng 40.000 người. Riêng DN hoạt động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có nhu cầu tuyển thêm hơn 12.500 lao động. Sau Tết, có khoảng 2,65 triệu người đã trở lại làm việc, chiếm tỷ lệ trên 95%. Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, tình trạng lao động chuyển đổi việc làm sau Tết không còn như các năm trước. Trong năm 2022, DN đã cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm để ổn định nguồn lao động và nhờ vậy đã góp phần tạo sự gắn bó giữa DN và công nhân. Trong quý I này, thành phố sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến, kết nối cung cầu lao động để giới thiệu việc làm cho lao động, đồng thời giúp DN tuyển lao động phù hợp để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh theo kế hoạch.
...Nhưng quá "áp lực" bởi tài chính
Đơn hàng mới tăng và thuận lợi trong việc tuyển dụng lao động nhưng nhiều DN làm hàng xuất khẩu lại gặp khó bởi sự biến động của tỷ giá. Ông Phạm Quang Anh cho biết, mặc dù đơn hàng tăng nhưng do giá USD giảm so với năm ngoái nên lợi nhuận cũng giảm theo, thậm chí có những đơn hàng không có lãi. Đã vậy, lãi suất ngân hàng lại tăng cao, từ 8% lên 13-14%, khiến DN gặp không ít khó khăn. Lãi suất vay cao trong khi đồng USD giảm khiến đơn giá của các DN Việt Nam khá cao, khó cạnh tranh với các nước. "Ngân hàng Nhà nước cần xem xét, đề xuất phương án điều hành room tín dụng phù hợp để hỗ trợ DN và nền kinh tế. DN cần sự ổn định tỷ giá, hỗ trợ lãi suất vay cũng như có chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh gọn để lên kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp", ông Phạm Quang Anh nói.
Trong năm 2023, DN ở các lĩnh vực đều có chung nhận định sẽ đối diện với nhiều khó khăn trong bối cảnh lạm phát ở nhiều thị trường vẫn còn khá cao. Từ cuối năm ngoái, DN kỳ vọng lãi suất giảm, room tín dụng được mở nhưng nay đã sang gần nửa tháng 2 nhưng những tín hiệu này vẫn chưa thấy. Trong khi đó xăng tăng giá, điện cũng rục rịch tăng. Đầu vào tăng cao trong khi sức mua lại yếu nên nhiều DN không thể điều chỉnh lương, điều chỉnh giá bán. Và dù đã tiên liệu nhiều tình huống để vượt khó nhưng DN kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ hạ nhiệt và ổn định, có như vậy mới có thể phục hồi và duy trì đà tăng trưởng.
Ông Phan Văn Dũng - Phó tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, năm 2022 công ty đã cắt giảm biên lợi nhuận để bù chi phí đầu vào tăng. Với giá bán luôn phải thấp hơn thị trường từ 5-10%, Vissan kỳ vọng năm nay tỷ giá và lãi suất ổn định để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8%. Theo ông Dũng, dư địa lạm phát và khó khăn của năm 2022 vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến 6 tháng đầu năm 2023. Vì vậy, DN muốn ổn định lãi suất, tỷ giá để an tâm nhập hàng vì khi tỷ giá biến động, chi phí đầu vào sẽ tăng.
Còn theo ông Trương Chí Thiện, vấn đề khó nhất của DN hiện nay là nguồn tài chính. Với lãi suất vay trên 10%, DN không thể có lãi. Đã vậy, việc siết chặt tín dụng thời gian qua khiến DN không thể tiếp cận vốn ngân hàng và vì vậy mà công nợ quá hạn tăng. "Khách hàng của chúng tôi đều là những đơn vị uy tín nên không lo rủi ro về nợ khó đòi mà mệt vì nợ quá hạn. Chúng tôi cần vốn để ứng trước cho các trang trại vệ tinh nhưng rất khó tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng. Đã vậy, các đối tác mua hàng lại kéo dài thanh toán. Đa số DN đều gặp tình trạng này nên không dám lên kế hoạch phát triển, mở rộng sản xuất", ông Thiện chia sẻ.
Ông Thiện cho rằng, mong muốn Chính phủ hỗ trợ cũng khó vì DN ngành xăng và điện đang lỗ. Và việc kiểm soát giá điện, xăng cũng chỉ là giải pháp nhất thời. Vì vậy, ông đề xuất Chính phủ có biện pháp hỗ trợ giảm lãi suất để DN có được nguồn tiền. Ngân hàng Nhà nước cũng cần hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay, giải ngân nhanh chóng đối với DN.