Sự vươn lên của ASEAN trong thu hút vốn đầu tư
Quốc tế - Ngày đăng : 06:34, 11/02/2023
ASEAN vươn mình
Ray Dalio - nhà sáng lập Quỹ Phòng hộ Bridgewater Associates trị giá 150 tỷ USD mới đây nhận định, trong bối cảnh đồng đô la Mỹ đang mất dần ảnh hưởng và thế giới chia thành các khối kinh tế, tiền tệ cạnh tranh lẫn nhau, những quốc gia ít bị tổn thương trước xung đột toàn cầu như ASEAN sẽ phát triển thịnh vượng trong những năm tới.
Ngoài Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, cả hai đều là những nền kinh tế trưởng thành và có đồng tiền chủ chốt, đang gánh những khoản nợ rất lớn. Thay vào đó, Ray Dalio khuyến nghị đầu tư vào các quốc gia có hệ thống tài chính khỏe mạnh, không có xung đột nội bộ nghiêm trọng, ít bị tổn thương trước chiến tranh Nga - Ukraine và đang tiếp tục đổi mới.
Danh sách quốc gia nên đầu tư, theo Dalio, gồm các thành viên của ASEAN như Indonesia và Việt Nam, cũng như Ấn Độ và các quốc gia trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh do Arab Saudi đứng đầu. Những quốc gia mong muốn toàn cầu hóa giờ đây sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn Mỹ, Trung Quốc và châu Âu.
Apple đang chuyển một phần sản xuất tại Trung Quốc sang Ấn Độ và Việt Nam |
Các thống kê cho thấy, trong những năm gần đây,Trung Quốc đã bắt kịp các quốc gia châu Á khác trong việc đầu tư vào sản xuất - lĩnh vực "xương sống" của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực ASEAN.
Nhật Bản và Hàn Quốc dẫn đầu tiếp cận lĩnh vực sản xuất của ASEAN, nhưng Trung Quốc đã nhanh chóng bắt kịp và trở thành quốc gia có nguồn vốn FDI nói chung lớn nhất vào ASEAN (không tính đầu tư nội bộ trong ASEAN) vào năm 2021, ngang bằng với Nhật Bản. Lĩnh vực sản xuất của Indonesia, Việt Nam và Thái Lan đã chứng kiến sự gia tăng mạnh về tỷ trọng FDI từ Trung Quốc - vốn trước đây tập trung đầu tư nhiều vào bất động sản. Nhiều nhà máy nổi bật của Trung Quốc tại ASEAN gần đây cho thấy hầu hết rơi vào các lĩnh vực mà các nước tiếp nhận có lợi thế cạnh tranh.
Dòng vốn chuyển dịch
Trong bài nhận định gần đây, ông David Liao - đồng Tổng giám đốc Điều hành HSBC châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, năm 2023 châu Á sẽ vẫn phải đối diện với những rủi ro từ dịch Covid-19, các cú sốc về địa - chính trị và lạm phát kéo dài. Tuy nhiên, khu vực này vẫn là điểm sáng khi nền kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ phát triển do mở cửa biên giới và tiêu dùng hồi phục, Ấn Độ và ASEAN được kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng.
Theo giới quan sát, khi phải đối mặt với sự gián đoạn tại Trung Quốc do số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh và các vấn đề về chuỗi cung ứng, Apple sẽ chuyển một phần hoạt động sản xuất tại Trung Quốc sang Ấn Độ và Việt Nam trong vài ba năm tới. Theo đó, Ấn Độ và Việt Nam sẽ trở thành những quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng điện thoại thông minh ra khỏi Trung Quốc.
David Liao nhận định, vào năm 2030, Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (vượt Nhật Bản và Đức). Ở ASEAN, ông Liao liệt kê một số ngành sẽ là lĩnh vực tăng trưởng chính: sản xuất ô tô, điện tử tiêu dùng, năng lượng tái tạo, thương mại điện tử và công nghệ tài chính.
Bên cạnh đó, với việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp giảm tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, cộng thêm các chính sách hỗ trợ ngành bất động sản là động lực chính cho tăng trưởng, giúp tiêu dùng hồi phục. Điều này sẽ có tác động lan tỏa sang các nước xuất khẩu lớn như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ thúc đẩy tăng cường thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN, còn kinh tế số sẽ trở thành "xương sống" cho thương mại.
Trong khi đó, các quốc gia ASEAN cũng có thể hưởng lợi khi đón đầu dòng vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc sang, trong nỗ lực tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, sự cạnh tranh để thu hút vốn đầu tư của nhóm này với Ấn Độ sẽ ngày càng quyết liệt. Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Điện tử và Di động Ấn Độ (ICEA) Pankaj Mohindroo cho biết, Ấn Độ phải tạo ra không gian phù hợp để thúc đẩy sản xuất của Apple và họ cũng không nên để mất Apple như cách đã để mất mảng sản xuất điện thoại thông minh của Samsung vào tay Việt Nam.
Xuất khẩu sản phẩm của Samsung từ Việt Nam đạt 65 tỷ USD vào năm ngoái. "Gã khổng lồ” Hàn Quốc này đã đầu tư hơn 18 tỷ USD vào Việt Nam cho đến nay và đang có kế hoạch tăng lên 20 tỷ USD. Một nửa số điện thoại thông minh của Samsung được sản xuất tại Việt Nam. Trong khi đó, xuất khẩu điện thoại thông minh của Samsung từ Ấn Độ chỉ ở mức khoảng 2,8 tỷ USD.
Theo giới quan sát, khi phải đối mặt với sự gián đoạn tại Trung Quốc do số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh và các vấn đề về chuỗi cung ứng, Apple sẽ chuyển một phần sản xuất tại Trung Quốc sang Ấn Độ và Việt Nam trong vài ba năm tới. Theo đó, Ấn Độ và Việt Nam sẽ trở thành những quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng điện thoại thông minh ra khỏi Trung Quốc.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 của Tổng cục Thống kê, về vốn đăng ký cấp mới vào Việt Nam đã có 153 dự án với số vốn đăng ký đạt 1,2 tỷ USD trong tháng đầu năm, tăng 48,5% về số dự án và gấp 3,1 lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023 Việt Nam có thể thu hút 36-38 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng khoảng 30-37% so với năm 2022.