Startup Việt “đứng trên vai” ChatGPT
Start up - Ngày đăng : 01:00, 13/02/2023
Cộng sinh với ChatGPT
George Nguyễn - đồng sáng lập của TBLabs và JDI One đang đốc thúc đội ngũ lập trình tạo ra chương trình kết nối API easyGPT. Trong khi giới trẻ đua nhau mua tài khoản ChatGPT vì không đăng ký được từ Việt Nam, George Nguyễn đã có trong tay hàng nghìn tài khoản. ChatGPT đang được dùng miễn phí trong thời gian chạy bản thử nghiệm nhưng chưa hỗ trợ sử dụng tại Việt Nam. Mua bán tài khoản trên mạng từ 15.000 đồng, giờ đã lên giá 90.000 đồng/tài khoản. Nhưng dù có mua được thì người dùng cũng khó xài vì gặp lỗi liên tục.
Nắm bắt được cơ hội từ ChatGPT, startup phải có đội lập trình đủ mạnh và phải quyết định “xuống tiền” thật nhanh. 6 bạn lập trình easyGPT trong hai tuần đã nhúng được nền tảng vào Telegram và có 500 người dùng. George Nguyễn chia sẻ: “Tự bỏ tiền túi nên chúng tôi tiết kiệm chi phí hết mức để đưa ra nền tảng cho người Việt dùng ChatGPT miễn phí, easyGPT tiếp cận người dùng thông qua giọng nói tự nhiên. Chúng tôi đang trong giai đoạn phát triển người dùng nên phải chịu chi tiền cho người dùng, để khi có đủ người dùng thì mới thu phí cho từng lĩnh vực trích xuất thông tin. Ở Việt Nam, chúng tôi sẽ cho ra mắt các sản phẩm chatbot sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) gần gũi với nhiều nhóm khách hàng như mẹ và bé, hay hỗ trợ lập trình viên viết code”.
Trong khi ChatGPT xáo trộn cuộc sống nhiều Facebooker, giới công nghệ bàn tán Việt Nam mình cũng có những robot AI là chatbot. Nhưng startup có khối dữ liệu khủng và khả năng xử lý thông tin như ChatGPT vẫn chưa xuất hiện. Tuy nhiên, một số startup nhanh nhạy cũng tìm được cách “đứng trên vai người khổng lồ”. Trong khi easyGPT đang mượn ChatGPT để tăng trưởng người dùng, một startup khác còn đi xa hơn - UpBase, muốn tạo dựng dữ liệu riêng từ nền tảng công nghệ ban đầu của ChatGPT.
“Hiện nay, nhiều startup đã khai thác GPT OpenAI. Là nơi cung cấp công cụ và công nghệ nền tảng cho nhiều công ty công nghệ, nhưng OpenAI có quan hệ cộng sinh với các công ty khai thác từ công ty mình vì bộ dữ liệu ngày càng hoàn thiện hơn trong các liên kết này. Rất ít công ty có thể tạo ra một công nghệ khác cạnh tranh đối đầu trực tiếp với GPT. Chi phí lớn nhất nằm ở việc đào tạo dữ liệu, nên startup thường chọn cách sử dụng công nghệ có sẵn và dữ liệu chuyên ngành”, ông Quang Phạm - đồng sáng lập của UpBase nhận định.
UpBase ứng dụng AI vào thuật toán phần mềm quản lý công việc, khách hàng. Chỉ cần câu lệnh là có thể lập dự án và quản lý như Hey Bot tạo lịch làm việc và phân bổ công việc. Dựa vào danh sách đánh giá ưu tiên ấy, hệ thống sẽ tự động xem xét lịch làm việc và những người liên quan để phân chia công việc.
Năm 2020, nhu cầu quản lý dự án (Task & Project Management Industry - PMI) tăng vọt vì khó khăn đi lại do đại dịch Covid-19. Có rất nhiều ngóc ngách mà công nghệ chưa khai thác hết nên UpBase đã ra đời, tập trung vào quản lý dự án cho các đội ngũ vừa và nhỏ và các công ty môi giới.
Ms AI của AI Humans |
UpBase cho biết, dự án của mình đã có hơn 30.000 người dùng các nước trong lĩnh vực quản lý dự án. Hiện tại, dự án vẫn là cầu nối giữa người dùng với ChatGPT. Khi đã thu thập đủ dữ liệu để xử lý, UpBase sẽ “rời vai người khổng lồ”, phát triển mảng xử lý và cung cấp dữ liệu quản lý dự án riêng. Dựa trên nội dung yêu cầu, chatbot của công ty có thể soạn thảo hợp đồng, văn bản cuộc họp, hình ảnh đồ họa hay lên kế hoạch marketing bằng ứng dụng GPT.
Nhiều startup đã tìm được “miếng bánh thị phần” từ cơn sốt ChatGPT nhưng vẫn phải đối mặt với khó khăn trước mắt. Trước tiên là phải chạy đua với thời gian. Thứ hai là tạo được sự tin tưởng của người dùng để mở rộng thị trường. Ông Quang Phạm cho biết: “May mắn đội ngũ có một ngôi sao sáng là Quân Nguyễn - chuyên gia về AI học ở Mỹ 7 năm và đã từng làm việc ở bộ phận phát triển GPT của OpenAI. Hiện nay, chúng tôi vừa học, vừa phát triển và đào tạo thêm dữ liệu. Ngay cả ChatGPT của OpenAI cũng đang làm những điều này. Họ có vốn lớn thì thời gian sẽ rút ngắn hơn nhưng trong tương lai, dữ liệu chuyên ngành của chúng tôi là điều mà ChatGPT chưa có”.
Chatbot ứng dụng AI có hình dạng con người
Cuộc đua trong cơn sốt ChatGPT không dành cho tất cả mà chỉ có những startup nhiều tiền mới đi tắt đón đầu được. Không chia sẻ chi phí, đồng sáng lập của AI Humans - bà Lê Thanh Hằng cho biết, khoản đầu tư cao gấp đôi các doanh nghiệp startup công nghệ khác. Công ty không chỉ đầu tư vào nền tảng công nghệ mà còn sáng tạo nội dung. AI Humans đã phát triển chatbot hình dáng xinh đẹp và thể hiện cảm xúc như người từ hai năm nay. Cũng hoạt động dựa trên nguyên lý chatbot trí tuệ nhân tạo có khả năng trả lời và tương tác với người dùng giống như ChatGPT, những “cô cậu” robot này đã tham gia vào nhiều lĩnh vực. Người nhân tạo có tên là Miss Thanh Niên là nhân viên chăm sóc khách hàng và độc giả báo. Anh Hai Cà Mau là tư vấn viên về thông tin dịch bệnh, thời tiết và chăm sóc vật nuôi, cây trồng cho nhà nông.
Các sản phẩm của AI Humans là một phân hệ phức hợp tích hợp nhiều nền tảng công nghệ AI như Big Data, Machine Learning, Natural Language Processing. Ba sản phẩm phần mềm chủ đạo của AI Humans là robot có hình dạng con người trên máy tính. Digital Humans (người nhân tạo) được máy tính tạo ra có khả năng tự học và phản hồi dựa trên dữ liệu đã được nạp. AI Humans (công dân AI) có gương mặt được AI được máy tính tạo ra, thể hiện hình mẫu của người mẫu, tương tác theo kịch bản có sẵn. Digital People (người số) là bản sao kỹ thuật số của người thật, có biểu cảm và mô phỏng theo nhân vật tùy chọn.
Dù các startup đều cho rằng thị trường xử lý thông tin ở Việt Nam rất lớn, nhưng đều công nhận là rất khó có thể so sánh với ChatGPT ở mặt công nghệ và quy mô. “Nhưng ở thị trường Việt Nam, chúng tôi chắc chắn có lợi thế hơn ChatGPT ở mặt giải pháp chuyên sâu phù hợp với từng cá nhân và doanh nghiệp. Đồng thời, việc ứng dụng ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt lẫn văn hóa vùng miền là điều mà các nhà huấn luyện ChatGPT không thể sánh kịp với startup trong nước”, bà Ngân cho hay.