3 điều người Phần Lan không làm để luôn hạnh phúc
Nguồn nhân lực - Ngày đăng : 01:30, 13/02/2023
Phần Lan nhỏ bé luôn được thế giới biết đến với danh xưng là “quốc gia hạnh phúc nhất hành tinh". Ảnh: Getty Images |
Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2022, Phần Lan tiếp tục giữ ngôi "quốc gia hạnh phúc nhất thế giới" lần thứ năm. Báo cáo do Cơ quan Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc thực hiện, dựa trên khảo sát đánh giá của chính người dân nước sở tại về mức độ hạnh phúc của họ, cũng như dữ liệu kinh tế - xã hội ở từng quốc gia.
Điểm số hạnh phúc được đánh giá theo thang điểm 0-10, dựa trên dữ liệu bình quân trong 3 năm, với 4 tiêu chí lớn là GDP, hỗ trợ xã hội, tự do cá nhân và mức độ tham nhũng. Trong báo cáo năm 2022, người dân tại 156 quốc gia được yêu cầu "đánh giá cuộc sống của họ ngày hôm nay theo thang điểm 0-10, với điểm 0 dành cho cuộc sống tồi tệ nhất".
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nước ngoài, Thủ tướng Phần Lan từng cho biết cam kết duy trì trạng thái phúc lợi hào phóng của quốc gia mình trong một "môi trường bền vững", cũng như xem sự phát triển và xuất khẩu công nghệ xanh là chìa khóa cho sự thịnh vượng của tương lai.
Bên cạnh đó, theo TS. Frank Martela - nhà triết học và tâm lý học, chuyên nghiên cứu các nguyên tắc cơ bản của hạnh phúc, ngoài điều kiện thiên nhiên, sự phát triển về kinh tế và các chính sách phúc lợi xã hội, có 3 điều người Phần Lan không bao giờ làm để duy trì chất lượng cuộc sống cũng như luôn cảm thấy hạnh phúc.
1. Không so sánh bản thân với người khác
Eino Leino - một trong những nhà thơ lớn của Phần Lan từng viết "Kell' onni on, se onnen kätkeköön". Câu này có nghĩa: "Người tìm được hạnh phúc hãy để hạnh phúc ấy ẩn mình". Người Phần Lan ghi khắc điều này trong tấm lòng, đặc biệt khi đề cập đến vật chất và sự khoe khoang của cải công khai.
Martela cho biết từng tình cờ bắt gặp một trong những người giàu nhất ở Phần Lan đẩy con của mình trên xe đẩy em bé tại trạm xe điện. Dù có thể mua ô tô và thuê tài xế, song sự lựa chọn đã là phương tiện giao thông công cộng. Theo Martela, đây là hình ảnh thành công ở Phần Lan: Giống như mọi người khác.
Do đó, hãy tập trung nhiều hơn vào những gì khiến bản thân hạnh phúc và ít hơn vào việc cho thấy bản thân thành công. Bước đầu tiên để đạt hạnh phúc thật sự là đặt ra tiêu chuẩn của riêng mình, thay vì so sánh bản thân với người khác.
2. Không bỏ qua lợi ích của thiên nhiên
Theo một khảo sát năm 2021, 87% người Phần Lan cảm thấy thiên nhiên rất quan trọng vì mang đến sự bình yên trong tâm hồn, năng lượng và sự thư thái. Do đó, người dân nơi đây rất thích các hoạt động ngoài trời, từ 40 công viên quốc gia của họ cho đến các hòn đảo của Biển Baltic, và cả cực Bắc Lapland. Không có gì lạ khi người dân thích đi bộ đường dài hoặc đi xe đạp.
Với tỷ lệ rừng bao phủ đến 75% diện tích, nhiều thành phố tại Phần Lan cũng được xây dựng cạnh rừng, đồng nghĩa là nhiều người có thể dễ dàng tiếp cận với thiên nhiên. Quốc gia này cũng có các khu rừng cùng hồ rộng lớn, và ý thức giữ gìn, bảo vệ thiên nhiên của người dân luôn được đề cao.
Bên cạnh đó, tại Phần Lan, người lao động được nghỉ hè 4 tuần và nhiều người trong số họ sử dụng thời gian đó để đến nông thôn và hòa mình vào thiên nhiên. Càng ít tiện nghi, thậm chí đến mức không có điện hoặc nước sinh hoạt trong nhà, thì càng tốt.
Người Phần Lan cảm thấy thiên nhiên rất quan trọng vì mang đến sự bình yên trong tâm hồn, năng lượng và sự thư thái. |
3. Không phá vỡ niềm tin của cộng đồng
Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy mức độ tin tưởng trong một quốc gia càng cao, công dân nước đó đó càng hạnh phúc. Năm ngoái, thí nghiệm "chiếc ví bị mất" đã được tiến hành, với 192 chiếc ví được đánh rơi tại 16 thành phố trên khắp thế giới để kiểm tra sự trung thực của người dân. Ở Helsinki, 11/12 chiếc ví đã được trả lại cho chủ sở hữu.
Người Phần Lan có xu hướng tin tưởng nhau và xem trọng sự trung thực. Nếu một người Phần Lan để quên máy tính xách tay trong thư viện hoặc làm mất điện thoại trên tàu, họ có thể yên tâm rằng mình sẽ lấy lại được chúng. Trẻ em cũng thường đi xe buýt công cộng từ trường về nhà và chơi ngoài trời mà không cần sự giám sát.
Ở Phần Lan, nếu hỏi một người rằng "bạn có ổn không?", hãy sẵn sàng để nhận câu trả lời trung thực. Lời xã giao "tôi ổn" như ở các nền văn hóa khác bị coi là sáo rỗng và không có ý nghĩa. Người dân nước này nói chuyện thân thiện song thẳng thắn và không có sự "lòng vòng" xung quanh lời nói. Vì vậy, cảm xúc con người được thể hiện một cách chân thực và không cần phải "tỏ vẻ" nhiều với bất kỳ ai.
Do đó, Martela khuyên, nếu muốn hạnh phúc, mỗi người hãy nghĩ về những gì bản thân có thể làm vì cộng đồng của mình: Làm thế nào để có thể tạo thêm niềm tin? Làm thế nào có thể hỗ trợ các chính sách được xây dựng dựa trên niềm tin đó? Theo Martela, mỗi hành động nhỏ như mở cửa cho người lạ hoặc nhường ghế trên phương tiện công cộng cũng tạo nên sự khác biệt.