Gỡ điểm nghẽn cho doanh nghiệp bất động sản

Bất động sản - Ngày đăng : 06:00, 14/02/2023

Bất động sản (BĐS) là một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các cuộc khủng hoảng kinh tế thường bắt nguồn từ khủng hoảng thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường BĐS...
Gỡ điểm nghẽn cho doanh nghiệp bất động sản

Vai trò của BĐS và doanh nghiệp BĐS

Khi thị trường BĐS “đóng băng” khiến hàng nghìn doanh nghiệp (DN) lao đao, gỡ điểm nghẽn cho DN BĐS cũng là cách để tạo thêm động lực cho nền kinh tế, nếu không muốn nói là cứu nền kinh tế trước một cuộc suy thoái đến gần.

Về mặt kinh tế học, BĐS có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực, không chỉ là nguồn vốn, tài nguyên đất đai mà còn cả nhân công để tạo ra tài sản cố định cho nền kinh tế, thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Ăn theo BĐS có nhiều ngành như tài chính - ngân hàng, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất... Sự khốn khó của ngành BĐS trong năm qua đã khiến cho nhiều ngành liên quan gặp khó, đặc biệt là các nhà thầu tham gia những công trình có vướng pháp lý.

BĐS có vai trò quan trọng trong việc phát triển hạ tầng cho nền kinh tế, hơn thế là đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người dân, phát triển đô thị, du lịch... Đặc biệt là với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì BĐS lại là ngành kinh tế vô cùng quan trọng. 

Động thái của Chính phủ

Nhận thức được tầm quan trọng của thị trường BĐS, mới đây Chính phủ đã ban hành Quyết định 1435/QĐ-TTg thành lập tổ công tác nhằm tháo gỡ khó khăn cho BĐS. Tiếp đó, Chính phủ ban hành Công điện 1164/TTg đôn đốc việc thực hiện Quyết định 1435. 

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan quyết liệt tháo gỡ khó khăn, bao gồm những bất cập, chồng chéo về thủ tục pháp lý, tháo gỡ “nút thắt” về nguồn vốn tín dụng, trái phiếu... 

Sau những chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã vào cuộc. Trước hết phải kể đến Ngân hàng Nhà nước, với quyết định nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại từ 1,5-2% để tạo đà cho DN vận hành trong năm 2023. Việc nới room sẽ góp phần quan trọng tháo gỡ vướng mắc của DN liên quan đến vốn tín dụng trong thời gian qua. Nhờ đó một số DN có thêm nguồn vốn để giải quyết nợ nần kéo dài.

Cùng với nguồn vốn ngắn hạn từ ngân hàng, dòng vốn dài hạn từ thị trường chứng khoán đang có xu hướng tăng trở lại. Nếu như cuối tháng 11/2022, VN-Index giảm còn 912 điểm thì sau khi có những chỉ đạo của Thủ tướng, thị trường có xu hướng tăng trở lại, vào ngày 5/12/2022, chỉ số này đã đạt 1093,67 điểm. 

Với sự hưng phấn của thị trường chứng khoán, một lượng vốn dài hạn rất lớn đang đi vào nền kinh tế, trong đó có BĐS. Thị trường trái phiếu dần phục hồi tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế và thị trường BĐS.

Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ giải pháp “cứu” thị trường trái phiếu. Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, tổ chức tín dụng là nhóm phát hành trái phiếu DN lớn nhất, chiếm 41,34% tổng khối lượng phát hành; DN BĐS, xây dựng chiếm lần lượt 28,87% và 7,8%. 

Bộ Tài chính đề xuất lùi một năm thực hiện quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm với nhà phát hành nhằm vực dậy thị trường trái phiếu. Động thái này được đánh giá sẽ tác động tích cực lên thị trường BĐS, bởi các DN BĐS lớn đều có khối lượng phát hành trái phiếu không nhỏ. Những DN không vướng sai phạm vẫn có thể tiếp tục huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu.

Gỡ điểm nghẽn về pháp lý

Cùng với việc tháo gỡ những điểm nghẽn về vốn, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu tháo gỡ khó khăn trong quy định pháp luật và các thủ tục triển khai dự án BĐS. Bộ Xây dựng cũng đang rà soát các quy định về đất đai, quy hoạch, xây dựng, nhà ở và xây dựng BĐS, đặc biệt là những điều khoản gây rào cản đối với DN.

Bộ Xây dựng dự kiến trình Chính phủ Nghị định sửa đổi các nghị định về quy hoạch, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nơi mà sức mua của người dân còn rất lớn. 

Bằng những nỗ lực và đồng thuận của Chính phủ và DN, người dân, với đồng bộ các giải pháp tháo gỡ bất cập về mặt thể chế và quy định pháp luật cho việc triển khai dự án, tạo ra nguồn cung cho thị trường, DN BĐS sẽ sớm thoát khỏi khó khăn, bình phục trở lại để có những cống hiến xứng tầm cho nền kinh tế. 

Phan Thế Hải