Nhiều quốc gia có thể phá giá nội tệ để nhận cứu trợ
Quốc tế - Ngày đăng : 05:00, 14/02/2023
Năm nay, Ai Cập, Pakistan và Lebanon - 3 quốc gia với khoản nợ chồng chất, đã mạnh tay giảm tỷ giá hối đoái để có thể đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Và, theo Bloomberg, đây có thể chỉ mới là khởi đầu, khi ít nhất hơn 20 quốc gia nữa đang xếp hàng chờ cứu trợ.
Hiện, các nhà giao dịch đang khá chắc chắn về một làn sóng phá giá tiền tệ mới dự báo nổ ra ở các nước đang phát triển. "Các thị trường cận biên vốn mong manh sẽ phải phá giá tiền tệ. Khi các đệm đỡ từ bên ngoài biến mất, khả năng bảo vệ tỷ giá của họ cũng mất theo. Nhà đầu tư có tài sản ở các thị trường này nên cân nhắc áp dụng chiến lược phòng ngừa trước rủi ro mất giá, Brendan McKenna - chiến lược gia tại ngân hàng Wells Fargo (Mỹ) nhận xét.
Theo Bloomberg, tốc độ tăng trưởng kinh tế chững lại đã đẩy một số thị trường mới nổi và cận biên rơi vào cảnh thiếu USD trầm trọng cũng như các khoản nợ khổng lồ không bền vững.
Charles Robertson - kinh tế trưởng tại Renaissance Capital (London) nói: "Các thị trường cận biên đã khắc phục tình trạng thiếu tiết kiệm trong nước bằng cách tăng vay từ nước ngoài khi chi phí đi vay hạ thấp, và giờ họ bị đẩy vào tình cảnh tồi tệ khi lãi suất toàn cầu tăng lên".
Hiện, chế độ neo tỷ giá và tỷ giá cố định đang chịu sức ép rất lớn. Ở một số quốc gia như Nigeria và Lebanon, điều này dẫn đến xuất hiện nhiều tỷ giá khác nhau, gồm tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường chợ đen.
Dù đồng nội tệ yếu hơn có thể giúp thu hút vốn và mang lại lợi ích cho thương mại, nó cũng mang đến tác động tiêu cực như đẩy lạm phát cao hơn và khiến các khoản nợ phình to. Đồng nghĩa, nhà đầu tư phải hết sức thận trọng bởi một số nước có thể rơi vào cảnh dòng vốn tháo chạy, thậm chí vỡ nợ, theo Hasnain Malik - chiến lược gia của Tellimer (Dubai).
"Đừng tiếp cận thị trường chứng khoán ở các nước mới nổi và cận biên nếu họ phá giá nội tệ", Malik nói, đề cập đến các nước như Argentina, Ai Cập, Ghana, Lebanon, Nigeria, Pakistan, Sri Lanka và Zimbabwe.
Tỷ giá hối đoái không chính thức yếu hơn nhiều so với mức của ngân hàng trung ương. Ảnh: Bloomberg |
Tháng 8/2015, khi Trung Quốc phá giá nội tệ, thị trường toàn cầu đã trải qua đợt bán tháo nghiêm trọng, với gần 13.000 tỷ USD vốn hóa bị thổi bay khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu trong 6 tháng. Lần này, mức độ sẽ không nghiêm trọng như vậy, vì các nền kinh tế đứng trước rủi ro phá giá đều nhỏ hơn và áp lực phá giá cũng thấp hơn. Theo Bloomberg, các quốc gia đang đứng trước nguy cơ phải phá giá nội tệ gồm:
1. Argentina
Quốc gia Nam Mỹ vẫn đang nỗ lực tránh phải đột ngột hạ giá nội tệ và đã ban hành quy định giới hạn người được phép mua USD. Tỷ giá chính thức hiện ở 190 Peso (ARS)/1 USD, nhưng trên các con phố ở Buenos Aires, 1 USD có giá tới 373 ARS. IMF đã cam kết viện trợ cho Argentina vay 44 tỷ USD, song kêu gọi nước này phải dỡ bỏ các giới hạn.
Khi được hỏi về khả năng phá giá, phát ngôn viên của ngân hàng trung ương Argentina cho biết theo lộ trình đến cuối năm 2023, tỷ giá sẽ ở mức 269 ARS/1 USD, thấp hơn đáng kể so với tỷ giá chính thức ở hiện tại nhưng vẫn cách xa so với tỷ giá trên thị trường chợ đen.
2. Nigeria
Nigeria được cho là sẽ hạ giá đồng Naira sau khi hoàn tất bầu cử trong tháng 2/2023. Mức giảm trung bình được các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg đưa ra là 20%. Ayodeji Dawodu - trưởng bộ phận nghiên cứu tín dụng và chủ quyền châu Phi tại Banctrust Investment Bank (London), nói: "Nguy cơ mất giá tiền tệ ở Nigeria là rất cao. Điều đó thể hiện rõ trong sự khác biệt giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá trên chợ đen".
Hiện, 755 Naira đổi được 1 USD trên thị trường chợ đen nhưng tỷ giá chính thức vào khoảng 460. Giống Argentina, Nigeria cũng áp dụng nhiều loại tỷ giá cho các giao dịch khác nhau.
3. Malawi
Tháng 5 năm ngoái, Malawi đã giảm giá đồng Kwacha 25%. Ban đầu, chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá trên chợ đen đã thu hẹp, nhưng đến tháng 9, khoảng cách lại bắt đầu nới rộng. Ngày 8/2/2023, đồng nội tệ nước này rơi xuống mức kỷ lục sau khi ngân hàng trung ương cho biết sắp tới sẽ có các đợt bán ra USD.
4. Ethiopia
Quốc gia châu Phi vẫn đang bác bỏ đồn đoán về chuyện phá giá nội tệ và áp dụng các biện pháp cứng rắn với thị trường chợ đen. Hiện, đồng Birr giao dịch ở mức 99 Birr đổi 1 USD, trong khi tỷ giá chính thức là 53,5. Cách đây 2 năm, Ethiopia đã bắt đầu đàm phán thỏa thuận cứu trợ với IMF, song tháng 1 qua IMF vẫn cho biết đang tìm kiếm "sự hợp tác có tính xây dựng và có ý nghĩa" với chính phủ nước này.
5. Bangladesh
Tháng 6/2022, Bangladesh đã thông báo kế hoạch chuyển sang một tỷ giá thống nhất với biên độ dao động 2%. Tuy nhiên theo tính toán của Bloomberg Economics, quốc gia Nam Á cần phải giảm giá nội tệ 26%, xuống 145 đổi 1 USD so với mức 107 hiện nay để thúc đẩy xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu, theo nhà phân tích Ankur Shukla.
6. Ukraine
Hiện, IMF đang đàm phán với các quan chức Ukraine để đánh giá chương trình cứu trợ mà đôi bên đã thực hiện trong 4 tháng qua. Nếu đàm phán thành công, gói cứu trợ trong nhiều năm trị giá 16 tỷ USD sẽ được áp dụng. Tháng 7/2022, Kiev đã phá giá đồng Hryvnia ở mức 20%, trong bối cảnh chiến sự với Nga kéo dài gần 1 năm. Phó thống đốc ngân hàng trung ương Yuriy Heletiy tháng trước nói dự trữ ngoại hối của Ukraine đang ổn định và không có cơ sở để phá giá.