Doanh nghiệp nhỏ và vừa nỗ lực chuyển đổi số
Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 15/02/2023
Kết quả khảo sát của Cục Phát triển DN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có đến 60,1% DN gặp khó về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số; 52,3% khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh cũng như thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số; 45,4% thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số; 40,4% thiếu thông tin về công nghệ số; 38,5% gặp khó trong tích hợp các giải pháp công nghệ số; trên 32% thiếu sự cam kết, hiểu biết của ban lãnh đạo, quản lý DN.
Đặc biệt, với những ngành đặc thù, liên quan đến lĩnh vực tư pháp, việc chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn hơn. Bà Nguyễn Thị Thuận - Phó tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Công chứng Trực Tuyến (CCTT) nhìn nhận, lĩnh vực công chứng vẫn chưa được chuyển đổi số một cách hiệu quả.
Năm 2020, Chính phủ đã ban hành nghị quyết yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng nhưng đến nay, sau ba năm vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành nghị định này. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ vẫn đang được đẩy mạnh các tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam.
Gần đây, dự thảo Luật Công chứng sửa đổi có một chương hoàn toàn mới, đó là bổ sung các quy định hướng đến sử dụng chữ ký điện tử và hợp đồng điện tử để công nhận giá trị giao dịch trên môi trường số. Nhận thức được xu thế tất yếu của việc chuyển đổi số trong lĩnh vực công chứng, bà Thuận và cộng sự đã tiên phong phát triển ứng dụng công chứng trực tuyến nhằm hỗ trợ kết nối dịch vụ công chứng.
Phó tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Công chứng Trực Tuyến chia sẻ: "Công ty tôi xuất phát điểm là đội ngũ công nghệ nên thuận lợi trong việc ứng dụng công nghệ để đưa sản phẩm, giải pháp đến các văn phòng công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng nhằm hỗ trợ họ ứng dụng giao dịch hằng ngày. Hiện các văn phòng công chứng vẫn nhận việc, giao việc hay nhận hồ sơ qua các trang mạng xã hội, email, chứ chưa có dữ liệu chung, hệ thống chung để quản lý và chúng tôi sẽ xây dựng giải pháp đó để quản lý công việc nội bộ cho các văn phòng công chứng. Định hướng thứ hai là sẽ phối hợp với một số đơn vị có chức năng cung cấp hệ thống hợp đồng điện tử, chữ ký điện tử nhằm định hướng và xây dựng mô hình để khi luật công chứng mới có hiệu lực thì những văn phòng công chứng có thể ứng dụng hiệu quả và nhanh chóng. CCTT cũng đang số hóa dữ liệu của các tổ chức hành nghề công chứng. Hiện nay, các tổ chức hành nghề công chứng vẫn lưu trữ các bản hard copy (bản giấy) làm cho chi phí lưu kho và quá trình tra cứu dữ liệu tốn nhiều công sức. CCTT sẽ hướng đến xây dựng hệ thống dữ liệu, số hóa các giao dịch hằng ngày, dữ liệu, thông tin, tài liệu để giảm chi phí lưu kho, tiết kiệm nhân lực cho các tổ chức hành nghề công chứng".
Là DN sản xuất có bề dày lịch sử hơn 40 năm tại Việt Nam, Công ty CP Kềm Nghĩa đã kịp thời hòa nhập vào công cuộc chuyển đổi số.
Bà Nguyễn Tường Vi - Phó tổng giám đốc Kềm Nghĩa cho biết: "Kềm Nghĩa là công ty sản xuất nhưng lại gắn liền với thương mại, đặc biệt chúng tôi nhận thức được sự phát triển vượt trội của thương mại điện tử trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát. Do đó, vừa qua chúng tôi đã kết hợp với FPT rà soát, nhận định hiện trạng công nghệ số ở công ty để kịp thời đào tạo nhân viên chuyên ngành. Kềm Nghĩa cũng vừa xây xong một nhà máy lớn trên cơ sở gom các nhà máy trước đây để thuận tiện cho việc ứng dụng công nghệ số nhằm cải tiến, nâng cấp quy trình sản xuất và sản phẩm, kịp thời đáp ứng thị trường".
Được biết, Kềm Nghĩa vừa tham gia chương trình hợp tác phát triển nhà máy thông minh - Smart Factory (do Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Samsung Hàn Quốc triển khai) và đã đạt được nhiều kết quả. Theo đó, với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, quy trình sản xuất được cải tiến, nâng cao năng suất, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và hướng đến việc xây dựng Kềm Nghĩa trở thành nhà máy thông minh.
Với Công ty CP Phúc Sinh, do đặc thù kinh doanh chủ yếu với đối tác nước ngoài nên DN này đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh từ rất sớm.
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group chia sẻ: "Phúc Sinh Group đã có phòng công nghệ thông tin từ 16-17 năm trước, chúng tôi dùng hệ thống ERP từ năm 2006. Có một thuận lợi là chúng tôi làm việc với nhiều quốc gia trên thế giới (Phúc Sinh bán hàng đến 120 nước) và thấy họ đã sử dụng phần mềm quản trị, số hóa từ lâu nên tôi học hỏi được nhiều điều để áp dụng với DN của mình. Một DN như Phúc Sinh phải có đến 20 kế toán nhưng chúng tôi chỉ cần 5 kế toán. Nếu không chuyển đổi số hay số hóa từ trước thì chúng tôi sẽ không làm được như vậy. Do đó, tôi nghĩ các DN cũng cần phải tập trung số hóa để đối phó với thế giới đầy biến động như hiện nay".
Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, ông Lê Hải Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mắt Bão nhận định, việc Chính phủ và các bộ ngành thúc đẩy chuyển đổi số thì các DN công nghệ có nhiều lợi ích như cơ hội nhiều hơn, quy mô thị trường lớn hơn... Ông cho biết thêm: "Tôi nghĩ, trong tương lai gần, tất cả DN Việt Nam, kể cả những ngành nghề rất truyền thống cũng bắt buộc phải ứng dụng công nghệ số để tồn tại, phát triển".
Tuy nhiên, công nghệ phát triển rất nhanh nên việc nắm bắt các xu hướng công nghệ để chuyển đổi số là thách thức với các DNVVN do chi phí đầu tư cũng như đào tạo nhân sự. Chia sẻ quan điểm về điều này, ông Bình cho rằng: "Công nghệ phải vị nhân sinh, nghĩa là bản thân nền tảng công nghệ có thay đổi cũng chỉ phục vụ cho con người. Sự thay đổi, nâng cấp của công nghệ đều giúp việc sử dụng, triển khai, kinh doanh, vận hành và cách sống của con người thoải mái, tiện nghi hơn, tốt hơn. Do đó, DN nên phân tích cái nào thật sự cần thiết phải thay đổi, cái nào phù hợp với người dùng thì thay đổi, cái nào chưa thì thay đổi sau chứ không hẳn phải chạy đua theo công nghệ vì đây là cuộc đua không bao giờ có hồi kết".