Ông Putin thừa nhận Nga chịu áp lực từ trừng phạt
Quốc tế - Ngày đăng : 02:00, 15/02/2023
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS |
Tại cuộc họp với các thẩm phán ngày 14/2/2023, Tổng thống Nga nói: "Chúng ta đang sống dưới áp lực trừng phạt liên tục từ nước ngoài. Ý tôi là hàng loạt biện pháp trừng phạt bất tận ở hiện tại. Và tất cả chúng ta đều thấy, chúng ta đang vượt qua tất cả lệnh trừng phạt này bằng một cái đầu lạnh".
Trước đó, ông Putin từng thừa nhận các ngành công nghiệp của Nga không thể tránh khỏi việc phải đối mặt với nhiều khó khăn do lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, ông khẳng định Nga đã ứng phó với các mối đe dọa trong lĩnh vực kinh tế một cách "hiệu quả", và những người đang cố gây vấn đề cho nền kinh tế nước này không lường được phản ứng của Moskva với chính sách họ ban hành.
Từ khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ, phương Tây đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt nặng nề với Moskva trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, ngoại giao, chính trị đến dầu mỏ. Hiện, Ủy ban châu Âu (EC) đang lên kế hoạch cho gói trừng phạt thứ 10, trong đó có các biện pháp chống lách lệnh trừng phạt cũ và lệnh trừng phạt mới.
Theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, đợt trừng phạt của khối với Nga sẽ nhắm vào thương mại cùng công nghệ, và các biện pháp trừng phạt hiện tại sẽ tác động, làm suy yếu nền kinh tế Nga. Bà tin rằng mức giá trần với dầu mỏ Nga khiến Moskva mất khoảng 160 triệu Euro/ngày.
Dù vậy, Tổng thống Nga giữa tháng 1/2023 đã công bố bức tranh tươi sáng về kinh tế dựa trên dữ liệu mới của chính phủ. Dẫn dữ liệu từ Bộ Phát triển Kinh tế, ông Putin nói GDP Nga đã giảm từ tháng 1 đến tháng 11/2022, nhưng mức giảm chỉ khoảng 2,1%, trong khi một số chuyên gia của Nga lẫn nước ngoài đã dự đoán mức giảm 10-20%.
"Động lực thực sự của nền kinh tế hóa ra tốt hơn nhiều dự báo của các chuyên gia", ông Putin nói. Theo ông, các tính toán ban đầu cho thấy nền kinh tế Nga giảm 2,5% cả năm 2022, tốt hơn nhiều so với mức giảm 33% của Ukraine.
Alexander Titov - giảng viên Đại học Queen's ở Belfast (Bắc Ireland), cho rằng nền kinh tế Nga đang chứng kiến sự gián đoạn, nhưng nó nhẹ hơn cả những gì xảy ra hồi đầu đại dịch. "Không có sự thiếu hụt, thậm chí với cả mặt hàng phương Tây như rượu whisky. Các kệ siêu thị luôn đầy đồ", ông viết.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa các biện pháp trừng phạt hoàn toàn không hiệu quả, theo Adam Taylor - nhà phân tích của Washington Post. Theo Taylor, áp lực của lệnh trừng phạt đã giảm khi Nga có nguồn thu lớn từ xuất khẩu năng lượng. Nhưng khi ông Putin cố gắng sử dụng năng lượng như vũ khí để gây áp lực và trừng phạt châu Âu, sức mạnh của chúng đã giảm. Mức trần mới với năng lượng Nga sẽ sớm hiệu lực và sẽ cản trở xuất khẩu của Moskva.
"Nga vẫn là cường quốc năng lượng, nhưng vai trò của họ đã thay đổi đáng kể. Nga sẽ có thị phần dầu khí nhỏ hơn, họ sẽ kiếm được ít lợi nhuận hơn và cũng mất một số đòn bẩy chính trị", Vladimir Milov - cựu thứ trưởng năng lượng Nga hiện sống ở nước ngoài, nói.
Đồng nghĩa, nguồn thu của Nga thời gian tới sẽ ít hơn, trong khi chi tiêu tăng do chiến sự. Moskva đã công bố thâm hụt ngân sách 47,3 tỷ USD năm 2022, khoảng 2,3% GDP, biến đây thành một trong những năm tài khóa tệ nhất lịch sử Nga.