Phó bí thư Thành ủy TP.HCM: Cần đề xuất các giải pháp phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ

Trong nước - Ngày đăng : 00:26, 17/02/2023

Ngày 16/2, Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Theo ông Nguyễn Hồ Hải - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, hoạt động khoa học công nghệ của TP.HCM trong giai đoạn 2012-2022 đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện. Trình độ khoa học công nghệ của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp từng bước được nâng cao, cải thiện qua từng giai đoạn.

Theo báo cáo của Thành ủy TP.HCM, chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) của thành phố luôn tăng. Trong giai đoạn 2011-2020, đạt 35,62%, trong đó đóng góp của khoa học công nghệ vào tăng trưởng TFP là 74%. Giai đoạn 2012-2021, năng suất lao động xã hội của thành phố cao hơn 2,7 lần so với cả nước và bình quân đạt 235,5 triệu đồng. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cao gấp 1,7 lần so với cả nước.

Năng suất lao động của doanh nghiệp có hàm lượng khoa học và công nghệ cao thuộc 4 ngành công nghiệp và 9 ngành dịch vụ trọng yếu gấp 1,57 lần năng suất lao động xã hội của thành phố. Dù đạt được một số kết quả tích cực, ông Hải cho rằng nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, sự phát triển khoa học công nghệ chưa theo kịp yêu cầu phát triển của kinh tế, xã hội và chưa thực sự trở thành động lực phát triển. Theo ông Hải, đầu tư của Nhà nước và xã hội cho khoa học công nghệ chưa tương xứng với tiềm năng.

Ông Hải cho rằng, cơ chế quản lý khoa học và công nghệ của thành phố dù có đổi mới, song chưa theo kịp với thị trường. Một số chính sách phát triển khoa học công nghệ còn hạn chế, bất cập, chưa đầu tư xứng đáng cho hoạt động sáng tạo… Nhân lực về khoa học công nghệ tăng về số lượng, nhưng còn thiếu chuyên gia đầu ngành. Trong những lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, công nghệ vi mạch, trí tuệ nhân tạo… còn thiếu nhân lực.

Ngoài ra, thị trường khoa học công nghệ của thành phố đã hình thành nhưng phát triển còn chậm. Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Năng lực về tài chính, công nghệ và nguồn nhân lực về khoa học công nghệ của doanh nghiệp còn hạn chế.

Phó bí thư Thành ủy TP.HCM: Đầu tư cho khoa học công nghệ chưa tương ứng với tiềm năng - Ảnh 1. Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải chia sẻ một số lưu ý trong phát triển khoa học công nghệ của TP.HCM

 Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải chia sẻ một số lưu ý trong phát triển khoa học công nghệ của TP.HCM ngày 16/2 vừa qua

Ông Hải đề nghị trong thời gian tới, thành phố cần tập trung nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách về quản lý, tổ chức hoạt động khoa học công nghệ, trong đó đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phương thức đầu tư, phương thức tài chính, đổi mới hệ thống tổ chức, nguồn nhân lực khoa học công nghệ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

Cần tiếp tục kêu gọi, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng về khoa học công nghệ, tăng cường trang thiết bị, nghiên cứu nâng cao hiệu quả các phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm chuyên ngành, phát triển các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin.

Ông Hải cũng đã lưu ý, cần đề xuất các giải pháp phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường khoa học công nghệ, thức đẩy các hoạt động tạo ra sản phẩm trí tuệ, nâng cao hàm lượng về sở hữu trí tuệ.

Trước đó, ngày 6/1, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động trong năm 2022 và nhiệm vụ, kế hoạch khoa học công nghệ năm 2023. Chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng trong năm 2023, sở có thể tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm và "đi đến cùng" giải quyết các bài toán đó.

Ông Mãi cũng đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục thực hiện vai trò để gắn kết các nguồn lực khoa học công nghệ cho sự phát triển của thành phố. Ông băn khoăn TP.HCM là nơi trung tâm hội tụ nhà khoa học, nghiên cứu khoa học, có thị trường nhưng kết nối giữa các bên vẫn còn chưa rõ nét.

Cạnh đó, ông Mãi đề nghị trong năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cần tiếp tục giúp UBND TP.HCM đặt ra những "đầu bài" lớn. Ngoài ra, sở cần chuẩn bị để đưa Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo vào hoạt động ngay trong năm nay.

Tại hội nghị, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định lưu ý TP.HCM cần quan tâm, tăng tỷ trọng đầu tư cho phát triển công nghệ của thành phố, khuyến nghị mức tổng đầu tư của thành phố cho phát triển khoa học công nghệ phải từ 2% GRDP trở lên thì khoa học công nghệ mới tạo được sức bật.

Ông Định cho rằng, nếu chỉ dựa vào ngân sách sẽ không đủ. Ông đã đề nghị TP.HCM cần có thêm những cơ chế xã hội hóa các nguồn cho khoa học công nghệ. Chẳng hạn, có thể phát huy quỹ phát triển khoa học công nghệ của các doanh nghiệp và các quỹ đầu tư cho các start-up phát triển khoa học công nghệ…Thành phố cần thêm những chính sách hỗ trợ cho đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ, bởi một bộ phận nhân lực hiện có thu nhập chưa tương xứng với mức sống tại TP.HCM...

M.T