5 thực phẩm giúp cải thiện chứng hay quên
Sống khỏe - Ngày đăng : 09:30, 19/02/2023
1. Cá hồi
Chứa nhiều omega-3, cá hồi được xem là "thực phẩm của não". Omega-3 là acid béo không bão hòa đóng vai trò quan trọng trong thành phần cấu trúc của màng tế bào thần kinh, là yếu tố không thể thiếu để đảm bảo sức bền của chúng.
"Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn uống chứa nhiều omega-3 giúp giảm tỉ lệ mất trí nhớ và cải thiện khả năng ghi nhớ của não", TS. Lauri Wright tại Đại học Nam Florida (Mỹ) nói.
Bà Wright dẫn nghiên cứu của các chuyên gia Trung tâm Y tế Đại học Rush ở Chicago (Mỹ), theo dõi hơn 6.000 người trong 4 năm để quan sát chế độ ăn uống ảnh hưởng ra sao đến trí nhớ của họ. Kết quả, người ăn cá thường xuyên (ít nhất mỗi tuần một lần) bị suy giảm trí nhớ chậm hơn 12% so với người không ăn cá, và giảm đến 60% nguy cơ mắc Alzheimer.
2. Cà ri
Các nghiên cứu đã phát hiện Curcumin - thành phần chính trong củ nghệ và bột cà ri có thể làm chậm sự hình thành các mối rối có liên quan đến sự phát triển bệnh Alzheimer, thậm chí phá hủy mối rối trong não chuột. Các chuyên gia của Đại học California, Los Angeles (Mỹ) đã xem xét tác động của curcumin với khả năng nhớ của những người không bị chứng sa sút trí tuệ và đối với não của người mắc bệnh Alzheimer.
Theo đó, 40 người đã được đánh giá trong 18 tháng về mức curcumin trong máu. Trong số này, 30 người được chụp xạ hình cắt lớp Positron (PET) vào lúc bắt đầu cuộc nghiên cứu và sau 18 tháng để xác định mức độ của mối rối amyloid và đám rối tau, yếu tố vốn rất quan trọng trong việc phát hiện lão hóa não.
Trong các cuộc kiểm tra trí nhớ, những người dùng curcumin cải thiện 28% khả năng nhớ trong 18 tháng và những người dùng giả dược không có sự cải thiện nào.
3. Củ dền
"Củ dền chứa nhiều nitrat - một dạng hợp chất tự nhiên có liên quan tới sự giãn nở mạch máu (và liên quan đến hạ huyết áp)", TS. Robert Krikorian thuộc Trường y Đại học Cincinnati (Mỹ) nói. Nghiên cứu cho thấy, nitrat giúp tăng lưu lượng máu và oxy tới não, do đó giúp cải thiện các chức năng tinh thần, trong đó có chức năng ghi nhớ.
Bên cạnh đó, củ dền là một trong những loại rau giàu folate có thể trì hoãn chứng mất trí khi cơ thể già đi. Có thể chế biến củ dền thành súp, sữa lắc củ dền, nước ép củ dền, salad củ dền để thưởng thức.
4. Cà phê
Cà phê chứa thành phần hoạt chất chính là caffeine, chất kích thích hệ thần kinh trung ương. Đây là chất tác động đến hệ thần kinh được tiêu thụ phổ biến nhất trên toàn thế giới. Một số nghiên cứu phát hiện ra rằng cà phê có thể giúp tăng cường trí nhớ ngắn hạn. Tuy nhiên, báo cáo khác lại cho rằng caffeine không ảnh hưởng đến trí nhớ hoặc thậm chí còn làm giảm hiệu suất bộ nhớ.
Cụ thể hơn, các nhà nghiên cứu Đại học Innsbruck (Áo) phát hiện rằng, lượng caffeine trong khoảng 2 tách cà phê có thể giúp tăng hoạt động của não ở hai vị trí, trong đó có một vị trí có liên quan đến trí nhớ. Trong khi đó, một nghiên cứu khác cho rằng, người chỉ ra uống 3 tách cà phê mỗi ngày có thể nhớ lại ngôn từ tốt hơn những người ít hoặc không uống cà phê.
Nghiên cứu của Viện Sức khỏe và Nghiên cứu y học Pháp cũng cho thấy, những phụ nữ trên 65 tuổi uống 3 tách cà phê mỗi ngày có thể nhớ lại ngôn từ tốt hơn những người ít hoặc không uống cà phê.
5. Sôcôla
Theo khảo sát của Trung tâm Recherche en Physiologie Nutritionnelle thuộc Đại học Úc, nếu ăn sôcôla 1 lần/tuần, não bộ sẽ "nhanh nhẹn", đồng thời cải thiện đáng kể khả năng tập trung và trí nhớ. Tuy nhiên, không nên tiêu thụ quá 25-28 gram sôcôla mỗi ngày và nên chọn sôcôla có chất lượng tốt.
Ngoài ra, cần biết rằng các loại sôcôla có bổ sung đường hoặc các chất bảo quản thì không tốt cho cơ thể và có thể ảnh hưởng đến chức năng não, tăng cholesterol và nguy cơ tai biến mạch não, đặc biệt ở người ít vận động. Sôcôla đen với ít nhất 70% ca cao cũng là một nguồn thức ăn tốt cho não do có chứa flavonoid, chất chống oxy hóa có liên quan đến sức khỏe não bộ.