TP.HCM: Tỷ lệ lao động có trình độ nghề thất nghiệp thấp
Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 20/02/2023
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM vừa có báo cáo về tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn trong năm 2022. Theo đó, trong số 146.285 người mất việc, được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong năm 2022 có 82.839 người là lao động phổ thông, không có bằng cấp chứng chỉ (chiếm 56,62%).
Người có trình độ đại học trở lên là 45.543 (chiếm 31,14%) và lao động có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp bị mất việc là 2.869 (chiếm 1,96%). Còn người có trình độ trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp là 6.816 (chiếm 4,66%) và trình độ cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp là 8.218 người (chiếm 5,62%).
Những con số trên cho thấy lao động có trình độ nghề đang có tỷ lệ thất nghiệp thấp. Trong khi đó, lao động có trình độ đại học trở lên và lao động phổ thông không có tay nghề thì tỷ lệ bị mất việc cao.
Năm qua, TP.HCM có gần 104.000 doanh nghiệp, tổ chức tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, hơn 2,4 triệu người có giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Hơn 150.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó hơn 146.000 người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tổng số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề trong năm hơn 4.726 tỉ đồng.
Theo thống kê, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất là nữ dưới 35 tuổi (30,5%), nữ trên 35 tuổi (26,2%); lao động nam dưới 35 tuổi (20,6%) và nam trên 35 tuổi (22,6%). Người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp 3 tháng chiếm 40,2%, từ 4-7 tháng gần 29% và từ 8-12 tháng 30,8%.
Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, trong quý IV/2022, cả nước có gần 185.200 người nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp, giảm 17% so với quý trước. Song nếu tính chung cả năm 2022, lượng hồ sơ nhận trợ cấp lại tăng 7% so với năm 2021. Người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cả nước tăng do ảnh hưởng hậu đại dịch Covid-19, doanh nghiệp thiếu đơn hàng nên cắt giảm lao động...
Phần lớn người thất nghiệp, nghỉ việc là lao động phổ thông, không muốn mất thời gian cho việc học nghề để tìm việc làm mới, do đó họ quan tâm đến tiền trợ cấp. Trong khi danh mục nghề đào tạo chưa phong phú, lạc hậu nhưng mức phí cao khiến lao động ít có cơ hội lựa chọn.