5 nguyên nhân chính dẫn đến giải ngân vốn đầu tư không đạt mục tiêu
Trong nước - Ngày đăng : 04:39, 21/02/2023
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, làm rõ trách nhiệm; phân tích kết quả, hạn chế, bài học kinh nghiệm; nhất là nêu những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết; chia sẻ những mô hình, các làm hay, sáng tạo, giải pháp trong quá trình tổ chức thực hiện; đề xuất giải pháp và nhiệm vụ cụ thể để tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công thiết thực, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế...
Các đại biểu cho rằng, nhiệm vụ giải ngân vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 được Quốc hội quyết nghị hơn 711.684 tỷ đồng là rất nặng nề, cần phải nỗ lực hơn so với thời gian qua; đặc biệt tháo gỡ các vướng mắc và sự chậm trễ trong giải quyết các trình tự, thủ tục hành chính; việc phân cấp, phân quyền cần được thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa; tiếp tục điều chỉnh một số quy định chưa phù hợp, đáp ứng yêu cầu theo tình hình mới; cần đàm phán, tháo gỡ khó khăn trong đáp ứng các yêu cầu khác nhau tại một số dự án từ nguồn vốn ODA.
Cùng với đó, phải giải quyết tốt công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; nâng cao năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, thi công; đặc biệt tăng cường phối hợp giữa các bên trong triển khai các dự án đầu tư công.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM nhận thấy có 5 nguyên nhân chính dẫn đến giải ngân vốn đầu tư không đạt mục tiêu là: thủ tục dự án, thủ tục xây dựng, phân bổ vốn của thành phố trong năm 2022 làm chậm; công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của nhiều dự án kéo dài nên giá đất tăng, dẫn đến GPMB chậm, vừa không giải ngân được vốn GPMB được vừa ảnh hưởng đến tiến độ xây lắp; giá vật liệu tăng ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng; thủ tục thuộc một số dự án ODA chậm; nhưng bao trùm là trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc chuẩn bị hồ sơ, đánh giá các tình huống phát sinh, chủ động tháo gỡ vướng mắc còn chậm.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 |
Ông Mãi đã nhắc lại, trong lần họp trước TP.HCM đã báo cáo và nhận trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời TP.HCM đã tiến hành xem xét trách nhiệm các vị lãnh đạo đứng đầu các tổ chức còn triển khai chậm.
Năm 2023, TP.HCM được phân bổ vốn là trên 70.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2022. Trong đó có 16.500 tỷ đồng vốn của Trung ương, 55.200 tỷ đồng vốn của địa phương. Hiện TPHCM đã phân bổ xong 100% vốn Trung ương, còn vốn địa phương còn một số hồ sơ dự án chưa hoàn thiện, HĐND thành phố chưa phân bổ, còn 26.000 tỷ đồng; đến nay đủ điều kiện để phân bổ là 14.000 tỷ đồng, còn lại 4 dự án với tổng vốn là 12.000 tỷ đồng, thành phố đang khẩn trương hoàn thiện và đến cuối tháng 3/2023, HĐND thành phố sẽ có phiên chuyên đề để phân bổ hết 100% vốn địa phương.
Ông Mãi cũng cho biết, vừa qua TP.HCM đã tổ chức hội nghị triển khai kết quả giải ngân vốn đầu tư năm 2022 và phương hướng năm 2023, xác định trách nhiệm của chủ đầu tư, của Sở KH-ĐT, của Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực. Thành phố cũng đã cho ý kiến về những khó khăn vướng mắc, nhất là những thủ tục phối hợp với các ngành với nhau, thủ tục về GPMB, chuẩn bị kiên quyết nửa đầu năm nay công tác GPMB phải đảm bảo được cho các dự án.
Hiện thành phố cũng tiến hành củng cố lại các tổ công tác, trong đó có tổ GPMB, tổ các dự án vốn lớn; tổ ODA; ban hành các văn bản, các quy định, chương trình hành động thực hiện giải ngân đầu tư công 2023 và các chỉ đạo cụ thể cho từng dự án.
Về công tác GPMB Dự án Vành đai 3, dự kiến ngày 15/6/2023 sẽ bàn giao 80% mặt bằng cho nhà đầu tư, khởi công dự án này kịp trong tháng 6/2023. Năm 2023 vốn GPMB của Dự án Vành đai 3 là hơn 18.000 tỷ đồng. Từ cuối năm 2022 đến nay các địa phương đã rà soát các thủ tục để cố gắng đến tháng 6/2023 bàn giao 80% mặt bằng và đến tháng 11/2023 bàn giao 100% mặt bằng Dự án Vành đai 3.
Trong dự thảo Nghị quyết năm 2024 của thành phố liên quan nhiều đến các cơ chế đầu tư, GPMB và những cơ chế thu hút vốn khác, nếu đến tháng 5/2023 được Quốc hội thông qua sau đó triển khai thì sẽ có tác động lớn đến việc thúc đẩy đầu tư công cũng như đầu tư thu hút xã hội khác.
Ông Mãi cũng khẳng định, sẽ rút kinh nghiệm từ năm 2022, TP.HCM rất quyết tâm thực hiện tốt hơn để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023.