Xanh hóa những dòng kênh
Thư giãn - Ngày đăng : 09:28, 23/02/2023
TP.HCM có hệ thống sông, kênh, rạch với tổng chiều dài khoảng 2.000km, có vai trò quan trọng trong việc thoát nước, vận tải, du lịch... Tuy nhiên, bao năm qua, nước tại các kênh, rạch luôn đen kịt, bốc mùi hôi thối. Thậm chí, nhiều kênh, rạch ngập ngụa rác thải sinh hoạt, rác thải rắn, nước thải độc hại làm ô nhiễm nguồn nước nặng nề. Trước thực trạng này, lãnh đạo TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025 xem việc xanh hóa kênh rạch là nhiệm vụ rất quan trọng.
Sáng ngày 23/2, lễ khởi công giai đoạn 2 đề án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đã được tổ chức. Trước đó, vào năm 2001, giai đoạn 1, ba dòng kênh này đã giải phóng mặt bằng, nạo vét thông dòng chảy, đắp bờ đất, xây dựng cửa xả, thoát nước tại một số rạch nhánh. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên giai đoạn 2 của đề án bị ngưng trệ nhiều năm, đến nay mới khởi công lại.
Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dài 32,7km, đi qua quận Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, quận 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, phải mất 8.200 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương (khoảng 4.000 tỷ) và ngân sách thành phố để giải phóng mặt bằng, làm đường, cải tạo, phục hồi.
Khởi công giai đoạn 2 dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên |
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ với người dân tại thời điểm diễn ra lễ khởi công, rằng, mùi hôi từ dòng kênh đang bốc lên rất khó chịu. Vậy mà trong suốt nhiều năm qua, bà con nhân dân phải sống trong môi trường ô nhiễm như vậy, thật là đáng quan ngại. Hiểu được tầm quan trọng của việc làm sạch ba dòng kênh này, biến nó thành tuyến công viên và giao thông quan trọng, lãnh đạo thành phố đã quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan lập kế hoạch chi tiết, thi công nhanh, hiệu quả và phấn đấu hoàn thành vào năm 2025.
"Việc thi công, hoàn thành dự án chắc chắn sẽ tạo bước đột phá cho hạ tầng thành phố, chỉnh trang và nâng cao diện mạo đô thị cho khu vực cũng như toàn thành phố. Đồng thời, nó hình thành tuyến giao thông đường thủy, đường bộ liên kết qua 7 quận, huyện là động lực phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân", ông Mãi nhấn mạnh tại lễ khởi công.
Hội đồng nhân dân HĐND TP.HCM Khóa X, trong một kỳ họp đã thống nhất phê duyệt chủ trương đầu tư nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp với tổng mức đầu tư 9.700 tỷ đồng. Trước đó, nhiều đề án xanh hóa các dòng kênh cũng đã được triển khai như kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé đã góp phần mang lại cho TP.HCM bộ mặt khang trang, đẹp đẽ hơn, chất lượng sống của người dân tại các khu vực này được cải thiện.
Các đơn vị thi công lập tức bắt tay vào công việc với quyết tâm hoàn thành hoặc vượt tiến độ |
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (qua địa bàn các quận 1, quận 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh) - con kênh bị ô nhiễm nặng nề ở TP.HCM, sau khi được đầu tư cải tạo, giờ đã trở thành nơi để người dân thể dục vui chơi và là địa điểm “check-in” được giới trẻ ưa thích.
Tương tự, với vốn đầu tư hơn 167 triệu USD, kênh Tân Hóa - Lò Gốm dài 7,5km, các nhánh phụ dài 1,2km, chạy qua các quận 6, quận 8, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân cũng đã được cải tạo, nâng cấp và khánh thành năm 2015.
Một người dân sống cố cựu bên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đoạn chảy qua quận 3 cho biết cảm nghĩ: “Thành phố đầu tư như vậy là quá tốt. Người dân chúng tôi sẽ cùng nhau bảo vệ sao cho kênh rạch luôn xanh, sạch, đẹp. Những con kênh được mở rộng, thuyền bè đi lại thuận tiện, nước kênh không còn bốc mùi hôi thối..., người dân chúng tôi cứ như thấy trong mơ vậy”.