"Giải cơn khát vốn" cho bất động sản

Bất động sản - Ngày đăng : 06:00, 25/02/2023

Nhiều cuộc họp diễn ra trong vòng vài tuần qua nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản (BĐS), nhưng mọi chuyện vẫn chưa đem lại kết quả tích cực.

BĐS là một trong 20 ngành kinh tế cấp 1, đóng góp rất lớn vào GDP của cả nước và cũng là ngành liên quan trực tiếp đến 40 lĩnh vực khác của nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện tại BĐS đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn. Ngoài những khó khăn liên quan đến pháp lý, vấn đề vốn đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành lao đao.

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng - TS. Nguyễn Trí Hiếu, thực trạng dòng vốn của DN BĐS hiện tại không chỉ là khó khăn mà là bế tắc. Việc tiếp cận nguồn tín dụng từ ngân hàng thì không dễ và cũng không thể xoay tiền từ trái phiếu. Trong năm 2023 có tới gần 400.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn. Đây là một áp lực vô cùng lớn khi nhiều DN bế tắc trong việc tìm phương án thanh toán cho nhà đầu tư. Đặc biệt, ngành BĐS chiếm tới 1/3 trong số tiền đó. 

-6149-1677213423.jpg

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các cơ quan quản lý rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, xây dựng quy hoạch, giám sát, kiểm tra BĐS; các tổ chức ngân hàng, tài chính phải khơi thông dòng vốn, giải quyết các vấn đề tín dụng cho BĐS. Thủ tướng cùng nêu rõ tinh thần "không ai giải cứu ai, DN BĐS phải giải quyết khó khăn do chính mình gây ra".

Sau những chỉ đạo của Thủ tướng tại hội nghị, thị trường BĐS đã có những dấu hiệu tích cực nhất định. Tuy nhiên, DN BĐS không chỉ trông chờ "bầu sữa" tín dụng từ ngân hàng. Và thực tế việc tiếp cận tín dụng ngân hàng cũng không phải là chuyện dễ ở thời điểm này. Do đó, DN BĐS cần phải có những giải pháp cụ thể để tự "giải cứu" chính mình.

TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích: "Việc tiếp cận với nguồn tín dụng từ ngân hàng hiện tại là gần như không thể. Vì vậy, bản thân DN, mà cụ thể là DN BĐS cần có những giải pháp để chủ động "cứu mình". Những giải pháp ấy, theo tôi DN có thể thực hiện như bán tài sản, dùng tài sản, dự án cấn trừ nợ, chuyển trái phiếu thành cổ phiếu, bàn bạc với trái chủ hoãn nợ". Dù vậy, vẫn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, cũng khó để thực hiện hiệu quả những giải pháp trên. Việc ngồi lại với trái chủ thương lượng hoãn thanh toán nợ sẽ không dễ được chấp nhận. Họ đang ở vị thế người cho vay thì lại phải trở thành cổ đông, làm tăng thêm rủi ro.

Trước thực trạng đó, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong năm 2023, Chính phủ nên có một chương trình hoãn, giãn nợ, đặc biệt là đối với trái phiếu BĐS. Ông nhấn mạnh: "Chính phủ nên có chương trình hoãn nợ quốc gia với không chỉ ngành BĐS, có thể gia hạn nợ một vài năm. Đương nhiên chỉ áp dụng cho những DN phát hành trái phiếu trong quá khứ đúng quy định, không áp dụng đối với DN phát hành trái quy định, lừa đảo, sử dụng tiền sai mục đích. M&A cũng là một giải pháp mang lại hiệu quả. Cần nghiên cứu tìm cách cho thị trường M&A phát triển, từ đó DN có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn nước ngoài.

TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam: Cho vay nhiều chưa chắc đã tốt

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Lê Duy Bình cho rằng, đối với hoạt động của ngân hàng, nếu các DN (bao gồm DN BĐS) không có phương án kinh doanh hiệu quả, không đảm bảo được khả năng trả nợ mà ngân hàng vẫn cho vay sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mất an toàn tín dụng. Ngân hàng là một loại hình DN đặc biệt, hệ thống ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, ngân hàng có hoạt động an toàn, hiệu quả thì nền kinh tế mới an toàn, hiệu quả.

Theo ông Bình, cho vay nhiều chưa chắc đã tốt, điều quan trọng là nguồn vốn tín dụng phải đưa được đến những DN sử dụng vốn tốt, dự án có tính khả thi, có khả năng thu hồi vốn và khả năng trả nợ mới có thể tạo cơ hội cho DN phát triển, đó cũng là cách để giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô. Không phải các DN có nhu cầu về vốn, gặp khó khăn kêu lên thì sẽ có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng, mà bản thân các DN cần phải có năng lực quản trị tài chính, sử dụng vốn tốt, có dự án khả thi, có khả năng thực hiện dự án hiệu quả, phải chứng minh được những điều đó thì bài toán tiếp cận tín dụng của DN mới có lời giải.

Lan Ngọc (ghi)

Đức An