Doanh nhân Phan Ngọc Dũng: Phải biết điểm dừng và dừng đúng lúc

Sách hay - Ngày đăng : 08:00, 25/02/2023

Nhiều người vẫn ví von "thương trường như chiến trường", do đó, người lãnh đạo doanh nghiệp cũng giống như tướng soái trên chiến trường. Họ phải có sách lược để xử lý các tình huống thì mới có thể đạt hiệu quả. Từng áp dụng sách lược của người xưa vào kinh doanh và thành công, anh Phan Ngọc Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bảo tồn NFT Ngọc Linh cho biết: “Kinh doanh thành công là một quá trình vừa đàm phán, chiến đấu và cũng phải áp dụng thuật dùng người đắc nhân tâm”. Anh Phan Ngọc Dũng cũng là tác giả cuốn sách “46 sách lược để khởi nghiệp thành công”.

Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn xin giới thiệu cuộc trò chuyện với anh Phan Ngọc Dũng xoay quanh nội dung cuốn sách 46 sách lược để khởi nghiệp thành công của anh.

* Điều gì giúp anh liên tưởng đến việc áp dụng binh pháp Tôn Tử và Đào Chu Công vào việc kinh doanh?

- Như chúng ta đã biết Tôn Tử được mệnh danh là “binh thánh”, Đào Chu Công được mệnh danh là “thương thánh”. Hai vị này tạm gọi là hai danh nhân vĩ đại của lịch sử thế giới nói chung, không riêng nước nào cả. Trong quá trình tiến thân lập nghiệp, các vị đó để lại những quyển sách, những tư tưởng để đời. Nhiều người nói “thương trường là chiến trường” cho nên hoàn toàn có thể áp dụng những binh pháp dùng trong chiến trường xưa vào kinh doanh. Đó là lý do mà mình áp dụng binh pháp của Tôn Tử và Đào Chu Công vào trong bối cảnh kinh doanh hiện đại. Nhìn vào thực tế thì rõ ràng tất cả các cuộc đàm phán, ngoại giao trong kinh doanh, ngoại giao trong hành xử xã hội đều có dáng dấp của người xưa.

* Trong 46 sách lược được anh đúc kết trong sách, thì anh tâm đắc với sách lược nào nhất và đã từng áp dụng vào việc phát triển doanh nghiệp của mình chưa? 

- Quyển sách có đến 46 sách lược, bản thân tôi chưa thể áp dụng hết, tại vì phải tùy tình huống mà mình áp dụng cho phù hợp. Tuy nhiên, đến bây giờ tôi áp dụng tương đối nhiều, mà không phải mỗi lần một sách lược, có khi ứng dụng rất nhiều sách lược trong một câu chuyện tạm gọi là liên hoàn kế. Kinh doanh là phải cả một quá trình vừa đàm phán, vừa chiến đấu và ngoài ra cũng phải áp dụng đắc nhân tâm.

Phần một có 30 sách lược, phần hai có 16. Phần một tôi thường đưa câu chuyện của Tôn Tử, phần hai tôi đưa câu chuyện của Đào Chu Công. Ở phần một tôi rất thích kế sách “thủ thượng khai hoa”. Phần hai mình rất thích kế sách “thuật dùng người”. 

“Thủ thượng khai hoa” có nghĩa là chúng ta nhìn thấy nhành hoa ở bối cảnh mô hình kinh doanh của mình vốn dĩ là đóa hoa đã nở rồi, phải làm sao cho đóa hoa nở bùng lên. Chính xác đó là mô hình chung phát triển cái chúng ta đang có. 

* Anh chia sẻ “đứng trên vai người khổng lồ” là một chiến lược kinh doanh phổ biến nhưng không phải ai cũng áp dụng thành công. Vậy làm sao để áp dụng kế sách này thành công?

- “Đứng trên vai người khổng lồ” nghĩa là hợp tác với một đối tác lớn để tận dụng nguồn vốn, tận dụng kinh nghiệm. Cách hiểu thứ hai là học hỏi những người đi trước đã thành công rồi. Thứ ba là người ta tự hiểu tôi đang làm một việc giống như thế nhưng cao cấp hơn, tuy nhiên ai cao cấp hơn thì chưa biết. 

Để hiểu cụm từ “đứng trên vai người khổng lồ” theo tinh thần của doanh nhân, một người đã khởi nghiệp và đã viết sách về khởi nghiệp rất đơn giản. Đó là học hỏi những kinh nghiệm của người đi trước, thậm chí nếu chúng ta có cơ hội hợp tác được với họ khi họ cho phép thì càng tốt. Tư duy của mình ở góc độ “đứng trên vai người khổng lồ” là phải ngang tầm, không có yếu tố tự ti. 

46 sách lược để khởi nghiệp thành công

Bìa sách 46 sách lược để khởi nghiệp thành công

* Anh đã khuyên các bạn nên đi làm thuê trước khi khởi nghiệp, theo anh khởi nghiệp nên được hiểu như thế nào? 

- Nên làm thuê trước khi khởi nghiệp, vì khi chúng ta không biết làm chủ như thế nào thì làm sao làm chủ được? Không có trường đại học hay viện nghiên cứu nào dạy cho người đó có thể làm chủ thành công. Tôi không nói là đào tạo giám đốc điều hành hay đào tạo giám đốc tài chính. Hiện tại khởi nghiệp đang bị lạm dụng, tôi nghĩ phải thỏa mãn 5 điều sau đây: 

- Một là người khởi nghiệp phải có kinh nghiệm, ít ra là kinh nghiệm sống và kinh nghiệm điều hành;

- Hai là khởi nghiệp phải tìm ra một hướng đi mới;

- Ba là khởi nghiệp phải có khả năng scale up nhanh nhất và tận dụng sức mạnh của đối tác nhanh nhất. 

- Bốn là khởi nghiệp phải có chất riêng;

- Cuối cùng, khởi nghiệp là bước đi xâm nhập tư duy của mình vào trong xã hội.

Khởi nghiệp khác hoàn toàn với khởi sự. Tiếng Anh khởi nghiệp có nghĩa là start business cũng không đúng lắm đâu. Start business cũng chỉ là một phần của startup thôi. Ví dụ như các bạn sinh viên tốt nghiệp xong ra trường đi làm thì đó là bạn đã khởi nghiệp rồi. Hoặc là liên kết hợp tác, cùng nhau làm một việc có hướng đi riêng mà có khả năng scale up nhanh nhất thì cũng gọi là khởi nghiệp. Còn mở công ty gọi là khởi sự, khởi sự nằm trong khởi nghiệp chứ không phải ngược lại. 

* Chắc hẳn không ai không biết đến kế “tẩu vi thượng sách”. Làm thế nào để các startup biết được khi nào nên chạy và phải chạy như thế nào để bảo vệ thành quả hiện tại? 

- Câu hỏi này rất hay. Như chúng ta đã thấy câu “tẩu vi thượng sách” là ý cuối cùng của binh pháp Tôn Tử. Trong kinh doanh,  chiêu thức này được áp dụng rất là nhiều, tức là phải biết điểm dừng và dừng đúng lúc. Điểm dừng ở đây tức là khi chúng ta biết thành công hay thất bại thì cũng phải biết điểm dừng. “Tẩu vi” được hiểu là bỏ chạy, “thượng sách’ tức là một cao kiến phải áp dụng. 

Trong cuộc sống và trong kinh doanh, thất bại là điều không thể tránh khỏi. Sau đại dịch Covid vừa rồi, rất nhiều công ty gặp vấn đề về dòng tiền, về nhân sự, về tất cả. Chính sự biết dừng, dừng để cải tổ, dừng để đứng lên và thậm chí nếu chúng ta thấy là cần thiết thì dừng để reset lại cuộc sống, để tìm một hướng đi mới thì đó là việc cần thiết của người lãnh đạo trong công ty.

Hoặc là trong cuộc sống, đôi khi phải biết dừng lại, tìm hướng đi mới hoặc bắt đầu lại tất cả. “Tẩu vi thượng sách” được hiểu như thế, không có nghĩa là bỏ chạy, bỏ tất cả. 

anh Phan Ngọc Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bảo tồn NFT Ngọc Linh

Anh Phan Ngọc Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bảo tồn NFT Ngọc Linh

* Giữa hai yếu tố: đáng tin cậy và tài năng, thì nên ưu tiên chọn người theo yếu tố nào, thưa anh?

-Khởi sự một công việc phải tìm những người đồng chí hướng, như bạn học, đồng hương, hoặc là người mới quen biết mà cảm thấy hợp nhau. Còn lấy tiêu chí người tài và người trung thành, đáng tin cậy, ở góc độ một người quản lý và đào tạo cho một số doanh nghiệp thì mình thấy nên lấy cả hai. Tốt nhất để hai nhân sự đó phải làm việc với nhau, để chủ doanh nghiệp có được bức tranh toàn cảnh.

Thường thường người tài giỏi mà trung thành rất hiếm có, không phải họ phản mình nhưng người tài giỏi một thời gian sau họ muốn tự làm, tự khởi nghiệp riêng và sẽ không làm cùng mình nữa. Lúc đó chúng ta sẽ không còn người tài. Nhưng nếu chúng ta chỉ chọn người trung thành, cả cuộc đời người ta chỉ gắn bó với công ty, thì họ cũng không có cơ hội để phát triển. Khó lắm để tìm được hai tính cách như vậy trong cùng một người, nên chấp nhận ở góc độ tương đối thôi.

* Một câu hỏi của độc giả: Anh chia sẻ trong sách là luôn nhắc nhân viên hãy làm việc với tinh thần của người Đức, tính chuyên nghiệp của người Nhật và sự chịu khó của người miền Trung. Vậy anh có thiên lệch cho miền Trung quê mình không? 

- Thời gian học bên Nga tôi có dịp ở chung với bạn cùng phòng người Đức, học rất giỏi, tên tuổi vẫn còn nằm ở bảng vàng trong trường, tinh thần rất tuyệt vời. Tôi cũng có cơ hội làm việc với người Nhật, vì thế tôi rất thích đối tác người Đức hay người Nhật. Cái này chỉ là quan điểm cá nhân, vì ở người Đức và người Nhật đều có tính kỷ luật và có uy tín cá nhân. Còn về miền Trung Việt Nam cũng không phải cục bộ vùng miền nhưng đây là thực tế. Mỗi năm chúng ta thấy thiên tai bão lụt kéo đến miền Trung và những con người lớn lên ở mảnh đất này có phẩm chất kiên cường, chịu khó học, chịu lắng nghe và làm việc rất cố gắng, rất trung thành. Tất nhiên nếu nhân viên xuất thân từ những vùng miền khác có đủ phẩm chất này tôi vẫn tuyển.

*Cảm ơn anh!

DNSG