Việt Nam: “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”
Quốc tế - Ngày đăng : 00:45, 28/02/2023
Phiên họp cấp cao có sự tham dự của hơn 100 lãnh đạo cấp cao, Bộ trưởng các nước cùng Chủ tịch Đại Hội đồng, Tổng Thư ký, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các tổ chức khu vực và các tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Geneva.
Nội dung phiên họp đề cập đến những vấn đề thời sự, cấp thiết hiện nay và những ưu tiên của cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới.
Phát biểu tại phiên họp, ông Quang khẳng định Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới (UDHR) và Tuyên bố và Chương trình Hành động Vienna về quyền con người (VDPA) là những khuôn khổ vững chắc để cộng đồng quốc tế cùng tăng cường nhận thức và hành động nhằm thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và đã đạt được những thành tựu quan trọng qua nhiều thập kỷ.
Những những thành tựu đó đang đứng trước những thách thức ngày càng gay gắt như chiến tranh, xung đột, bạo lực, đói nghèo, bất bình đẳng và thiếu công bằng, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, các nguy cơ về an ninh lương thực và an ninh nguồn nước, những hệ quả của đại dịch Covid-19...
Với tư cách là thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, ông Quang thông báo về quyết tâm, những nỗ lực, đồng thời đề cao những thành tựu của Việt Nam trong đổi mới, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người, đặc biệt là duy trì được mức tăng trưởng cao, mức bao phủ của bảo hiểm y tế rộng khắp, có tỷ lệ phụ nữ tham chính trong nhóm dẫn đầu thế giới, có chỉ số phát triển con người liên tục tăng và được xếp vào nhóm cao.
Ông Quang khẳng định phương châm của Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền là: “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”.
Từ đó, ông Quang kêu gọi các nước cần thông hiểu và tôn trọng những đặc thù riêng của nhau, cùng đoàn kết, đối thoại và hợp tác để giải quyết những vấn đề toàn cầu trên cơ sở đề cao chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Và ông cũng nhấn mạnh cần ưu tiên tập trung thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc và các cam kết về thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để bảo đảm sự thụ hưởng đầy đủ các quyền con người trên phạm vi toàn cầu, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc cần đóng vai trò trung tâm trong thúc đẩy sự đối thoại một cách xây dựng, bình đẳng và hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau và với cách tiếp cận tổng thể.
Cũng tại phiên họp, đại diện Việt Nam, ông Quang đã đưa ra sáng kiến về việc kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình Hành động Vienna bằng một văn kiện của Hội đồng Nhân quyền nhằm khẳng định lại những mục tiêu và giá trị to lớn, bao trùm của các tuyên ngôn và tuyên bố trên và cam kết chung của cộng đồng quốc tế vì toàn thể nhân loại.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang dự Phiên họp cấp cao khoá 52 Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ - Ảnh: VGP/Hải Minh |
Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới (UDHR) được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào ngày 10/12/1948 với nội dung khẳng định mọi người sinh ra tự do, bình đẳng, không phân biệt và khẳng định các quyền của con người như quyền sống, quyền được xét xử công bằng, không bị tra tấn, không phải làm nô lệ và các quyền khác trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa.
Tuy không phải là văn kiện pháp lý quốc tế nhưng UDHR là nền tảng để xây dựng luật quốc tế về nhân quyền, trong đó có Công ước về các quyền dân sự, chính trị và Công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; cũng như được đưa vào các văn kiện về quyền con người của các cơ chế khu vực và vào pháp luật của các quốc gia. Ngày 10/12 sau này trở thành Ngày Nhân quyền quốc tế.
Năm 1993, tại hội nghị quốc tế về nhân quyền được tổ chức tại Vienna (Áo), các nước thành viên Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) khẳng định lại các giá trị của UDHR, đồng thời làm rõ việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người phải là ưu tiên cao nhất của mỗi quốc gia và cộng đồng quốc tế, khẳng định trong khi cần tính tới các đặc thù của mỗi quốc gia, xã hội, các quyền con người cần được nhìn nhận là giá trị phổ quát, cần được đánh giá trong mối quan hệ cân bằng, phụ thuộc lẫn nhau.
VDPA cũng khẳng định vai trò của Liên hợp quốc trong thúc đẩy quyền con người trên thế giới và khởi động cho việc thành lập Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người.
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trực thuộc Đại Hội đồng Liên hợp quốc được thành lập năm 2006 là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống Liên hợp quốc, có chương trình nghị sự trải rộng trên 10 đề mục, một mặt bám sát các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người, mặt khác cũng phản ánh rõ nét những ưu tiên, chiến lược lớn của các nước và các nhóm nước trong lĩnh vực này. Hội đồng Nhân quyền có một hệ thống các cơ quan, cơ chế trực thuộc đặc biệt, được quan tâm và tham gia rộng rãi, đầy đủ nhất là Cơ chế Rà soát định kỳ Phổ quát (UPR). Hội đồng Nhân quyền gồm 47 thành viên có nhiệm kỳ 3 năm, là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy cân bằng tất cả các quyền con người, kể cả quyền phát triển; hoạt động trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại, trên tinh thần xây dựng, không thiên vị, chọn lọc, chính trị hóa và tiêu chuẩn kép. |