Lãi suất phát tín hiệu hạ nhiệt nhờ đâu?
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 01:00, 28/02/2023
Thanh khoản dồi dào
Sau biến động mạnh trong những tháng cuối năm 2022, từ đầu năm 2023 đến nay, xu hướng lãi suất có dấu hiệu hạ nhiệt khi các ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi trở lại, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống đang ở mức dồi dào khi dòng tiền tập trung chảy vào các nhà băng.
Cụ thể, khung lãi suất tiền gửi của Techcombank có hiệu lực từ ngày 7/2 giảm 0,5% ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, về còn 8,5%/năm. Đây là lần giảm thứ hai chỉ trong vòng một tuần của ngân hàng này, khi lần giảm trước đó là vào ngày 30/1 cũng với mức giảm 0,5% ở kỳ hạn 6-11 tháng và giảm 0,3% kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cũng giảm 0,2-0,25% lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-12 tháng xuống 9,15-9,3%/năm, giảm 0,4-0,75% kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, xuống 8,95-9,3%. Tương tự, PGBank giảm 0,3% ở kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 24 và 36 tháng từ 9,1% xuống 8,8%, giảm mạnh 0,5% kỳ hạn 12, 13 và 18 tháng xuống 9%. SCB cũng bất ngờ giảm nhẹ lại suất 0,05% kỳ hạn 12 tháng xuống 9,9% và giảm mạnh 0,5% kỳ hạn từ 13 tháng trở lên xuống 9,1%/năm.
Kìm lãi suất là nhiệm vụ hàng đầu trong năm 2023 |
Xu hướng giảm lãi suất không chỉ diễn ra trên thị trường tiền gửi dân cư, mà ngay cả trên thị trường vay mượn giữa các tổ chức tín dụng. Cập nhật đến ngày 17/2, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng còn 4,64%, giảm 170 điểm cơ bản (bps) so với đúng một tháng trước đó, trong khi kỳ hạn một tuần và hai tuần cũng giảm tương ứng 164bps và 144bps. Trước đó, trong ngày 15/2, lãi suất qua đêm có lúc rớt xuống mức 3,64%, thấp nhất từ đầu năm đến nay.
Ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ, việc huy động vốn của nhiều ngân hàng đã tăng trưởng mạnh trong gần hai tháng đầu năm nay, khi nguồn vốn nhàn rỗi, các khoản lương, thưởng tập trung chạy vào ngân hàng để hưởng lãi suất cao. Ngược lại, quý I, nhu cầu vay vốn rất thấp, do tâm lý khách hàng ngại vay đầu năm, cộng thêm đây là giai đoạn thấp điểm sản xuất, kinh doanh, nhu cầu mua bán, xây dựng, sửa chữa nhà chưa phát sinh nhiều.
Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ròng thanh khoản tiền đồng thông qua kênh mua ngoại tệ càng giúp hệ thống ngân hàng dư thừa thanh khoản. Ước tính cho thấy NHNN đã mua ròng 3,6 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay.
Lãi suất cho vay hạ nhiệt
Những diễn biến trên tác động tích cực lên mặt bằng lãi suất cho vay, trong bối cảnh Chính phủ và NHNN đều đặt mục tiêu phải giữ ổn định lãi suất cho vay hoặc thậm chí giảm thêm để hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất tiền gửi hạ nhiệt trở lại trong những ngày vừa qua đã tạo điều kiện cho một số ngân hàng triển khai các chương trình cho vay ưu đãi nhằm phát triển tín dụng và đẩy vốn ra ngay từ đầu năm.
Đơn cử như Vietcombank đã công bố chương trình giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với tất cả khoản vay của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có dư nợ hiện hữu và dư nợ phát sinh mới, áp dụng từ ngày 1/1 đến hết ngày 30/4/2023. Vietcombank cũng là ngân hàng cam kết sẽ cùng nhóm ngân hàng thương mại nhà nước sớm giảm lãi suất huy động vốn.
Hay như Agribank ngày 16/2 thông báo lãi suất cho vay bất động sản có thể được điều chỉnh giảm tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng, nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ sản xuất, kinh doanh thông thường, thời gian điều chỉnh lãi suất tối đa đến ngày 31/12/2023 và thời gian áp dụng lãi suất điều chỉnh kéo dài từ ngày 31/1 đến hết ngày 31/12/2024.
Việc NHNN bơm ròng thanh khoản tiền đồng thông qua kênh mua ngoại tệ càng giúp hệ thống ngân hàng dư thừa thanh khoản hơn. Ước tính cho thấy NHNN đã mua ròng 3,6 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay.
Gần đây, NHNN đã sửa quy định về cách tính tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR), theo đó các ngân hàng sẽ được tính một phần tiền gửi có kỳ hạn tại Kho bạc Nhà nước khi tính tỷ lệ dư nợ cho vay so với LDR và có lộ trình giảm dần. Điều này đặc biệt sẽ giúp các ngân hàng thương mại nhà nước với lượng tiền gửi lớn vào Kho bạc Nhà nước giảm bớt sức ép lên huy động vốn để đảm bảo tỷ lệ LDR, từ đó có động lực để giảm lãi suất huy động và tiếp đó có thể là lãi suất cho vay.
Trong khi đó ở nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, MBBank giảm 1% lãi suất vay dành cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng/năm qua nền tảng Biz MBBank, kể từ ngày 10/1. Bản Việt cũng đưa ra chương trình "Vay vốn ưu đãi, kinh doanh siêu lãi" với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với lãi suất từ 10,5%/năm; gói vay với hạn mức 1.000 tỷ đồng, dành cho khách hàng vay vốn từ ngày 1/2 - 30/4/2023.
Sacombank đã triển khai ưu đãi lãi suất cho vay. Cụ thể, đối với khách hàng cá nhân vay vốn với mục đích sản xuất, kinh doanh ngắn hạn hoặc tiêu dùng phục vụ đời sống, Sacombank áp dụng mức lãi suất tối thiểu từ 8,99%/năm. Đồng thời, Sacombank áp dụng mức lãi suất ưu đãi từ 7,5%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vốn để thanh toán hàng nhập khẩu, làm hàng xuất khẩu. Sacombank cũng đang triển khai chương trình cho vay mua ô tô với lãi suất ưu đãi từ 8,5%/năm, khách hàng có thể vay đến 100% giá trị xe và thời gian vay kéo dài đến 10 năm.