Thông tin được báo chí phản ánh hằng ngày là rất quan trọng

Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 01/03/2023

Ngày 28/2, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phối hợp Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan báo chí, truyền thông góp phần thực hiện hiệu quả Quy định 1374-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM".
Thông tin được báo chí phản ánh hằng ngày là rất quan trọng

Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho biết, trước khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quy định số 1374-QĐ/TU (viết tắt Quy định 1374) ngày 1/12/2017 “Về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm xử lý các thông tin phản ánh.

Tuy nhiên, theo ông Khuê có lúc, có nơi, nhiều cơ quan, đơn vị có thông tin báo chí phản ánh nhưng chưa kịp thời chỉ đạo xem xét, xử lý. Quy định 1374 đã hình thành cơ chế yêu cầu các đơn vị phải thực hiện nghiêm việc giải quyết thông tin báo chí phản ánh, làm rõ đúng, sai và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai phạm. Quy định cũng đã chỉ rõ thông tin phản ánh được xác định là có cơ sở theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để xem xét, xử lý từ 4 nguồn, trong đó nguồn thứ 4 là phản ánh của báo chí.

Ông Khuê khẳng định, công tác tuyên truyền Quy định số 1374-QĐ/TU luôn được các cơ quan báo chí thành phố quan tâm. Hiện nay, có nhiều phương pháp thực hiện tốt, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong các cấp ủy, tổ chức đảng và đến đông đảo cán bộ, đảng viên cùng các tầng lớp nhân dân. Phản ánh của báo chí đi vào nhiều lĩnh vực, nhất là phản ánh về công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, thậm chí sai phạm của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ. Qua phản ánh thông tin, các cơ quan báo chí góp phần đề xuất các giải pháp để các cơ quan ra quy chế phối hợp kịp thời, hạn chế khuyết điểm. 

Đồng thời, cũng qua thông tin phản ánh của báo chí, phần nào đã giúp các địa phương, đơn vị nắm bắt được tình hình, chủ động giải quyết các sai sót, khuyết điểm, vi phạm, nhất là những vi phạm diễn biến kéo dài gây bức xúc trong dư luận; giúp lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương dễ dàng nắm bắt các sự việc, vấn đề liên quan đến cơ quan, đơn vị, địa phương một cách kịp thời, nhanh chóng. Trên cơ sở những thông tin báo chí phản ánh, tại các báo cáo tình hình báo chí hằng ngày, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã báo cáo, đề xuất Thường trực Thành ủy kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vấn đề liên quan. 

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu

Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu

Tuy nhiên, các cơ quan báo chí cũng còn bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót trong quá trình thông tin. Có lúc còn thiếu bám sát nội dung chỉ đạo của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí của Trung ương và thành phố dẫn đến việc đăng phát thông tin thiếu chính xác, gây hiệu ứng tiêu cực trong xã hội. Còn tình trạng một số cơ quan báo chí, tạp chí điện tử của các cơ quan Trung ương đăng tin bài chưa chính xác, thiếu kiểm chứng nguồn tin, đưa một chiều theo ý kiến chủ quan của một vài cá nhân… đã gây ảnh hưởng đến uy tín cơ quan, cá nhân.

Còn theo Trung tá Trần Đức Thắng - Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an TP.HCM, cho biết, việc thực hiện Quy định 1374, Công an TP.HCM đã tiếp nhận 129 thông tin. Công an TP.HCM đã xử lý 33 thông tin có cơ sở giải quyết, trong đó có 9 thông tin là từ phản ánh của báo chí.

Từ kết quả giải quyết các thông tin phản ánh, Đảng ủy Công an thành phố đã xem xét xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức 2 trường hợp, tước danh hiệu công an nhân dân 5 trường hợp; xử lý bằng các hình thức phê bình, hạ phân loại thi đua, cắt danh hiệu thi đua năm, phân loại không hoàn thành nhiệm vụ đối với 96 trường hợp. Cũng theo Trung tá Thắng, việc chủ động giải quyết thông tin phản ánh, đơn thư khiếu nại, tố cáo còn giúp ban giám đốc xét quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thi đua khen thưởng, thăng cấp bậc hàm, nâng bậc lương hàng năm.

Phát biểu chỉ đạo buổi tọa đàm, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết thời gian qua, các cơ quan báo chí thành phố đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, xây dựng nhiều tin, bài phản ánh thông tin liên quan đến tập thể, cá nhân theo Quy định số 1374.

Ông Nguyễn Hồ Hải cũng đề nghị các cơ quan báo chí thường xuyên quán triệt đầy đủ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, nhất là về ý nghĩa, nội dung và hiệu quả của việc thực hiện Quy định 1374 đến cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên tại đơn vị. Tăng cường xây dựng các chuyên trang, chuyên mục hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với những tin bài về công tác xây dựng Đảng, thường xuyên phản ánh thông tin và tích cực tham gia đóng góp ý kiến nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Quy định 1374.

Quang cảnh tọa đàm

Quang cảnh tọa đàm

"Thông tin trên báo chí phải có tính thời sự cao, lành mạnh, thiết thực, chính xác, có tính chiến đấu và định hướng dư luận. Do đó, các cơ quan báo chí cần phải hết sức nghiêm túc, cẩn trọng, chặt chẽ kiểm soát kỹ nội dung, không để những thông tin chưa kiểm chứng hoặc phản ánh chưa đúng sự thật xuất hiện trên mặt báo, bảo đảm mỗi bài báo là một công cụ tăng cường nhận thức, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và nhà nước, truyền cảm hứng để nhân dân tích cực tham gia, chia sẻ những khó khăn, thách thức trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố trong giai đoạn mới", ông Nguyễn Hồ Hải khẳng định.

Trong buổi tọa đàm, ban tổ chức nhận được 37 bài tham luận. Các ý kiến tham luận giới thiệu nhiều mô hình, giải pháp hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện Quy định 1374.

Xuân Lộc