Doanh nghiệp kêu khó, “không muốn làm con nợ”
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 00:11, 01/03/2023
Theo ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, cho biết nhiều DN trong hội đang phải vay vốn với lãi suất mười mấy phần trăm. Lãi suất cho vay tăng cao do ngân hàng tăng lãi suất huy động, nhất là ở kỳ hạn tham chiếu để tính lãi vay, đồng thời tăng biên độ cộng thêm từ 2,5% lên 4-5%/năm.
Bên cạnh đó, vào ở thời điểm room tín dụng khan hiếm, có trường hợp ngân hàng đã cam kết giải ngân nhưng khi DN đã mở thư tín dụng, nhập hàng về cảng nhưng ngân hàng nói không có tiền, phải đợi. Đợi đến khi được giải ngân, DN phải tốn thêm hàng trăm triệu đồng cho hàng loạt chi phí phát sinh. Diễn biến này khiến các DN phải khóc ròng.
Còn theo đại diện lãnh đạo Công ty nệm Vạn Thành cho hay, lợi nhuận của DN chỉ vào khoảng 10-15%/năm, chưa kể chi phí đầu tư trang thiết bị, nên mức lãi suất vay hơn 15%/năm như thời gian qua DN không thể kham nổi.
Còn theo ông Văn Công Thật - Chủ tịch Hội DN huyện Cần Giờ, nói rằng, nếu cứ mãi duy trì mức lãi suất cao như hiện nay, nền kinh tế sẽ co cụm vì người có tiền sẽ đem gửi ngân hàng để hưởng lãi cao chứ không ai bung ra làm ăn, còn DN không dám vay vì làm ra bao nhiêu thì “ngân hàng ăn hết”. Từ đó, ông Thật kiến nghị cần có giải pháp. "Ngân hàng cần sớm có giải pháp làm sao hạ lãi suất để DN có thể sản xuất kinh doanh…", ông Văn Công Thật kiến nghị.
Tại hội nghị, các DN cũng cho biết dù có thông tin các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, DN vừa và nhỏ... vay với lãi suất 5,5%/năm nhưng hầu như các DN phải vay với lãi suất trên 10%/năm. Ngoài ra, trong hội nghị, các doanh nghiệp cũng chỉ ra một thực tế “không muốn làm con nợ”, nhưng cũng lắm gian nan. Nhiều DN cho biết, khi DN họ thấy lãi suất quá cao, DN đã trả hết nợ và xin rút tài sản đảm bảo để vay ngân hàng khác cũng rất gian nan, nhân viên ngân hàng hẹn hết tuần nọ đến tuần kia với lý do sếp chưa ký.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chúc mừng các doanh nghiệp và ngân hàng ở lễ ký kết hợp đồng tín dụng tại Hội nghị đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp vào ngày 28/2 - Ảnh: Hoàng Hùng |
Việc tiếp cận vốn vay ngân hàng cũng khó khăn liên quan đến tài sản thế chấp. Theo bà Lâm Thúy Ái - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH sản xuất - thương mại MEBIPHA cho biết: Trong 20 năm hoạt động đến nay, DN sử dụng vốn ngân hàng nhiều. Năm 2010, DN thuê đất tại khu công nghiệp 50 năm, có đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị với tổng vốn đầu tư 86 tỷ đồng. Tiền thuê đất 50 năm, DN trả 1 lần khoảng 10 tỷ đồng nhưng phía NH không nhận thế chấp đất thuê này.
Trong 2 năm qua, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, DN đã sử dụng hết vốn đang có, dùng thêm các tài sản khác vào thế chấp. Đến nay, khi DN hoạt động lại bình thường cũng là lúc thiếu vốn để hoạt động cũng như mở rộng đầu tư. Thế nhưng NH không nhận tài sản thế chấp nói trên. Đó là chưa kể, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đất nông nghiệp nằm ở các tỉnh cũng gặp khó khăn khi mang thế chấp. Bà Ái kiến nghị NH chấp nhận cho thế chấp đất thuê trong khu công nghiệp, đất nông nghiệp để DN có thể giải quyết nhu cầu vốn.
Ngoài ra, bà Ái cũng trăn trở rằng, một số doanh nghiệp không có tài sản thế chấp, đã sử dụng hết tài sản thế chấp, hoặc có tài sản nhưng không đủ điều kiện thế chấp (đất nông nghiệp, đất thuê hàng năm…). Thậm chí việc thế chấp tài sản cá nhân cũng khó được chấp nhận và giải ngân thì rất lâu. Vậy họ có thể sử dụng tài sản cá nhân khác để nhanh chóng thế chấp cho khoản vay doanh nghiệp được không? Cần thủ tục như thế nào?
“Vậy Nhà nước, ngân hàng có cách nào để tháo gỡ những khó khăn này giúp DN có vốn sản xuất, kinh doanh?”, bà Lâm Thúy Ái tha thiết nói.
Với thực tế đang diễn ra, nhiều ND bức xúc, “ngậm bồ hòn làm ngọt”. "Nhiều DN trong hội rất bức xúc khi lãi suất cho vay quá cao, DN thì khó khăn trong khi ngân hàng thì lãi khủng. Có DN còn nói mức lãi suất cho vay 5,5%/năm chắc chỉ có trong mơ", ông Đỗ Phước Tống nói.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, dù góp ý của các DN có đôi chút gay gắt nhưng các ngân hàng nên tiếp nhận các ý kiến đó trên tinh thần thật sự cầu thị, để từ đó hiểu nhau và có phương án giải quyết rõ ràng cho các vấn đề vướng mắc, tránh làm theo kiểu "đến hẹn lại lên", thắc mắc của DN chẳng đem lại hiệu quả gì sau những cuộc họp.
Ông Mãi cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM tổ chức nhiều cuộc đối thoại hơn, cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM nên có các kênh kết nối khác để các DN thường xuyên phản ánh các vướng mắc, kiến nghị đến cơ quan quản lý tiền tệ và lãnh đạo thành phố.
Phát biểu chỉ đạo, ông Mãi cho biết vốn và lãi suất là hai vướng mắc lớn nhất của các DN mà ông có dịp tiếp xúc từ cuối năm ngoái đến nay. "Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại quan tâm đến việc cơ cấu lại nợ cũng như các vấn đề về lãi suất, tín dụng ưu đãi cho DN, tùy chính sách và điều kiện của từng ngân hàng", ông Mãi đề nghị.
Cam kết cho vay 11.000 tỷ đồng Để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN, tại hội nghị, 16 ngân hàng thương mại tại TP.HCM đã ký cam kết cho 64 DN vay 11.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn 7%/năm và trung - dài hạn 10%/năm. Trước đó, năm 2022, chương trình kết nối NH và DN đã giải ngân 568.340 tỷ đồng cho 32.500 khách hàng, tăng 16,65% so với năm 2021. |