Dòng vốn đầu tư lại chuyển dịch vào các thị trường mới nổi
Quốc tế - Ngày đăng : 01:00, 02/03/2023
Dòng vốn lại dịch chuyển
65,7 tỷ USD là lượng vốn rót ròng vào các thị trường mới nổi trong tháng đầu năm nay, mức cao nhất trong vòng 12 tháng qua, theo dữ liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF), trong đó một lượng tiền đáng kể đã chảy vào thị trường chứng khoán Trung Quốc. Với lộ trình tăng lãi suất ở các nền kinh tế phát triển đang chậm lại, đầu tư vào cổ phiếu công nghệ Mỹ đi xuống, triển vọng thuận lợi hơn ở các nền kinh tế mới nổi đã giúp các nước này thu hút dòng vốn quay lại.
Theo khảo sát của BofA Global Research với 299 nhà quản lý quỹ có tổng tài sản được quản lý là 847 tỷ USD, giới đầu tư đang đổ xô vào cổ phiếu của thị trường mới nổi và giảm lượng tiền mặt xuống mức thấp nhất kể từ trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, nhờ tâm lý lạc quan hơn về nền kinh tế toàn cầu. Cuộc khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu của các thị trường mới nổi đã tăng 51 điểm phần trăm từ tháng 11/2022 - 2/2023, đánh dấu mức tăng kỷ lục trong ba tháng qua.
Dòng vốn lại bị thu hút vào các thị trường mới nổi |
Nhìn chung, các nhà đầu tư dù vẫn thận trọng nhưng mức độ đã giảm đáng kể hơn so với những tháng gần đây. Chỉ 24% nhà đầu tư dự đoán kinh tế suy thoái, thấp hơn nhiều mức 77% vào tháng 11/2022. Xu hướng này được thúc đẩy bởi kỳ vọng các nền kinh tế lớn sẽ tránh được suy thoái và lạm phát sẽ tiếp tục giảm, đặc biệt là ở Mỹ, cho phép ngân hàng trung ương các nước bớt tăng lãi suất.
Trong tuần gần nhất, dữ liệu của 23.637 quỹ tại thị trường mới nổi cho thấy các quỹ đầu tư cổ phiếu thu hút 1,92 tỷ USD và có tuần mua ròng thứ sáu liên tiếp. Ngược lại, các quỹ trái phiếu chứng kiến dòng tiền chảy ra là 1,44 tỷ USD sau 7 tuần mua liên tiếp trước đó.
Trung Quốc đã mở cửa biên giới kể từ đầu tháng 1, sau khi chấm dứt chính sách Zero Covid, điều này khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hiện giá cổ phiếu của Trung Quốc đã phục hồi khi các nhà đầu tư cố gắng nắm bắt cơ hội từ đợt mở cửa trở lại, tương tự xu hướng tại Mỹ vào năm 2020 và 2021.
Song hành với các nhà đầu tư tổ chức, các nhà đầu tư cá nhân dù có những hạn chế về nguồn lực để nắm bắt tình hình thực tế, nhưng cũng đã bắt đầu xem xét đến các thị trường này. Sau khi giảm mạnh trong ba quý đầu năm 2022, nhiều thị trường chứng khoán đã tạo đáy và đi lên trở lại từ quý IV/2022 và duy trì xu hướng tích cực cho đến nay. Thống kê cho thấy, kể từ đầu năm 2023, chỉ số MSCI các thị trường mới nổi đã tăng ít nhất 20% so với đáy năm trước, đồng nghĩa với việc chính thức bước vào thị trường giá tăng.
Sau một thời gian giảm mạnh, các thị trường mới nổi một lần nữa có cơ hội tăng trưởng nhanh hơn so với các thị trường phát triển. Các nhà kinh tế tại JPMorgan dự báo, trong năm 2023, GDP các thị trường mới nổi có thể tăng trưởng khoảng 1,4% so với các nền kinh tế phát triển.
Trung Quốc là tâm điểm
Theo nghiên cứu của Morningstar, trong 10 năm nữa, các thị trường chứng khoán có khả năng mang lại hiệu suất đầu tư cao nhất đều nằm tại các thị trường mới nổi, mà cụ thể là Brazil (12,9%), Trung Quốc (11,1%) và Hàn Quốc (10,4%). Để so sánh, con số này tại các thị trường phát triển ở mức thấp hơn, như Anh (7,8%) và Mỹ (3,5%).
Cổ phiếu của Trung Quốc đang giao dịch sôi động nhất cùng với trái phiếu xếp hạng đầu tư dài hạn, thay thế cho vị thế mua USD. Ngân hàng Đầu tư Natixis của Pháp tuần trước dự báo dòng vốn chảy vào Trung Quốc sẽ tiếp tục trong khi đồng đô la Mỹ suy yếu, đẩy giá cổ phiếu lên cao. Đồng nhân dân tệ đã tăng khoảng 2% so với đô la Mỹ trong tháng 1.
Theo Wall Street Journal, kể từ đầu năm đến nay, giới đầu tư đã đổ hơn 2 tỷ USD vào các quỹ tương hỗ tại Mỹ để mua cổ phiếu Trung Quốc. Dòng vốn này duy trì trong 5 tuần liên tiếp và đã đảo ngược xu hướng của nửa cuối năm ngoái, khi nhà đầu tư rút về gần 1 tỷ USD. Chỉ số MSCI China Index - theo dõi các công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ, Hồng Kông và đại lục - đã tăng khoảng 45% so với mức đáy vào tháng 10/2022.
Nguyên nhân là Trung Quốc đã mở cửa biên giới kể từ đầu tháng 1, sau khi chấm dứt chính sách Zero Covid, khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hiện giá cổ phiếu Trung Quốc đã phục hồi khi các nhà đầu tư cố gắng nắm bắt cơ hội từ đợt mở cửa trở lại, tương tự xu hướng tại Mỹ vào năm 2020 và 2021.
Việc Trung Quốc bất ngờ thay đổi chính sách đối phó với đại dịch đã thúc đẩy giá của nhiều loại tài sản, từ hàng hóa và cổ phiếu khai khoáng, đến các đồng tiền cũng như các thị trường chứng khoán ở các điểm đến ưa thích của du khách. Bất chấp triển vọng tốt, một số nhà đầu tư Mỹ vẫn cảnh giác và chưa sẵn sàng quay lại thị trường Trung Quốc, nếu có cũng chỉ giao dịch ngắn hạn.