Điện ảnh Việt: Thương mại hay nghệ thuật?
Thư giãn - Ngày đăng : 01:00, 05/03/2023
Cảnh trong phim "Em chưa 18" |
Nghịch lý về doanh thu
Trước khi Nhà bà Nữ ra rạp ít ngày, Tro tàn rực rỡ (công chiếu từ ngày 2/12/2022) - một phim đáng xem (giải nhất Liên hoan Phim Ba châu lục tại Pháp, phim Việt Nam đầu tiên tranh giải chính của Liên hoan Phim Quốc tế Tokyo) chỉ mang về doanh thu hơn 4 tỷ đồng. Trước nữa, Đêm tối rực rỡ - phim được gửi tranh giải "Tác phẩm nước ngoài xuất sắc" của Quả Cầu Vàng và được 5 giải thưởng Cánh Diều Vàng - có doanh thu khá hơn, nhưng chỉ đạt 20 tỷ đồng.
Song Lang từng giành đến 20 giải thưởng trong và ngoài nước, doanh thu ở rạp có 5 tỷ đồng. Các phim chất lượng tốt, chiếm được cảm tình hay nhận giải thưởng quốc tế khác như Đảo của dân ngụ cư, Cha cõng con, Dạ cổ hoài lang, Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác doanh thu cũng rất thấp.
Sau khi Nhà bà Nữ có doanh thu kỷ lục (hơn 444 tỷ đồng, tính đến ngày 19/2), The Fabelmans: Tuổi trẻ huy hoàng (khởi chiếu từ ngày 10/2) - ứng cử viên sáng giá của giải Oscar 2023 khi chiếu ở Việt Nam, doanh thu chỉ hơn 337 triệu đồng. Babylon (khởi chiếu từ ngày 3/2) - một ứng viên của giải Quả Cầu Vàng 2023 cũng chỉ thu được hơn 2,2 tỷ đồng (tính đến ngày 19/2). Trong khi đó, phim Người kiến và chiến binh ong: Thế giới lượng tử (khởi chiếu từ ngày 17/2) đứng đầu bảng doanh thu phòng vé Việt với doanh thu hơn 29 tỷ đồng (tính đến ngày 19/2).
Phim nghệ thuật (cả Việt Nam lẫn nước ngoài) được giới chuyên môn đánh giá cao, được giải thưởng lớn nhưng có doanh thu thấp là nghịch lý đã và đang diễn ra ở phòng vé Việt Nam. Trên thế giới cũng không ngoại lệ với nhiều phim đoạt giải thưởng Oscar, Gấu Vàng, Quả Cầu Vàng. Trong khi các phim thị trường (bom tấn hành động, siêu anh hùng hay hài hước) mang đậm tính giải trí lại thắng lớn.
Ngoài Nhà bà Nữ, các phim Việt như Bỗng dưng trúng số (thu gần 200 tỷ đồng), Bố già (400 tỷ đồng), Cua lại vợ bầu (191 tỷ đồng), Lật mặt (4 phần), Gái già lắm chiêu 3 (165 tỷ đồng)... đều mang đậm tính giải trí. Tất nhiên, doanh thu cao còn nhờ các phim này ra rạp gặp “thiên thời” khi rơi vào thời điểm ít có phim cạnh tranh và có hiệu ứng truyền thông tốt.
Hiện tại, tiềm năng về doanh thu của phim Việt còn rất lớn. Nhà bà Nữ bán được gần 6 triệu vé (tính đến ngày 19/2), chỉ đạt hơn 10% số khán giả tiềm năng của rạp Việt (Việt Nam có 52,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên trong quý IV/2022, theo thông cáo báo chí của Tổng cục Thống kê năm 2022). Năm 2019, tổng số vé bán được của thị trường rạp Việt là 56 triệu, trung bình mỗi người Việt Nam đi xem rạp 0,6 lần/năm, Singapore là 3,4 lần/năm, Malaysia 2,4 lần/năm, Hàn Quốc 4 lần/năm. Ước tính chỉ 5-8% người Việt ra rạp xem phim mỗi năm. Điện ảnh Việt vẫn còn thiếu những thế mạnh về đạo diễn, diễn viên giỏi, kịch bản hay, quay phim giỏi, hậu kỳ tốt...
Dung hòa thương mại và nghệ thuật
Như các nền điện ảnh khác trên thế giới (trong đó có Mỹ), điện ảnh Việt Nam cần cả phim thương mại và nghệ thuật. Bởi mỗi dòng phim đều phục vụ đối tượng khán giả khác nhau. Chẳng hạn phim thương mại (trừ phim “thảm họa”) phục vụ nhu cầu giải trí của số đông khán giả, giúp phim Việt thu hút khán giả có thói quen ra rạp, doanh thu tốt sẽ giúp các nhà làm phim có ngân sách để tiếp tục sản xuất, thậm chí có kinh phí dồi dào thì một số nhà làm phim thương mại sẽ đầu tư vào phim nghệ thuật.
Trong bối cảnh nhiều phim Việt ra rạp năm 2022 thất bại thảm hại ở phòng vé, doanh thu tốt của Nhà bà Nữ và Chị chị em em 2 (116 tỷ đồng, tính đến ngày 19/2) đã thắp lên tín hiệu vui để giới chuyên môn mạnh dạn đầu tư làm phim mới. Nếu phim thương mại nhằm mục đích thu hút càng nhiều khán giả đến rạp càng tốt, thì phim nghệ thuật không chứa các yếu tố giải trí mà chú trọng khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật và mang dấu ấn sáng tạo cá nhân.
Ra rạp sau khi Tro tàn rực rỡ được giải thưởng quốc tế và nhận nhiều lời khen của giới chuyên môn và khán giả, song đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vẫn thẳng thắn chia sẻ: “Nói chung, tôi và cả nhà sản xuất đều không ngây thơ đến mức hy vọng vào doanh thu cao của một bộ phim nghệ thuật”.
Cảnh trong phim "Tro tàn rực rỡ" |
Dù doanh thu khiến nhiều nhà làm phim nghệ thuật trăn trở, dòng phim này vẫn không thể thiếu của điện ảnh nước nhà. Bởi phim nghệ thuật không chỉ góp phần phát triển và nâng tầm điện ảnh Việt, mà còn đưa văn hóa, nghệ thuật Việt ra thế giới thông qua các liên hoan phim quốc tế.
Liệu có thể kết hợp tốt giữa yếu tố nghệ thuật và thương mại trong cùng một bộ phim? Điện ảnh Mỹ từng có Ben Hur, Titanic, Chúa tể những chiếc nhẫn... được nhiều giải thưởng Oscar và có doanh thu hàng tỷ USD. Điện ảnh Việt cũng có Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh từng thu hơn 80 tỷ đồng và được nhiều giải thưởng Bông Sen Vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam. Phim Cô ba Sài Gòn, Sài Gòn anh yêu em,12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy, Hotboy nổi loạn, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Em chưa 18 (thu 171 tỷ đồng), Hai Phượng (200 tỷ đồng), Mắt biếc (180 tỷ đồng), Tiệc trăng máu (175 tỷ đồng), Em và Trịnh (100 tỷ đồng) đều kết hợp khá tốt giữa tính nghệ thuật và thương mại.
Tất nhiên, nhà làm phim có quyền quyết định chọn tính nghệ thuật hay thương mại, hoặc nỗ lực cân bằng cả hai yếu tố tùy mục tiêu mà bộ phim hướng đến. Dù vậy, vẫn mong phim Việt sẽ có nhiều tác phẩm dung hòa cả nghệ thuật và thương mại để góp phần phát triển nền điện ảnh nước nhà về số lượng và chất lượng, đồng thời có thể đưa phim Việt vươn xa ở thị trường quốc tế.