Liên Hiệp Quốc: Nhiều quốc gia đứng trước nguy cơ vỡ nợ
Quốc tế - Ngày đăng : 07:42, 06/03/2023
UNDP cho biết, 25 trong số 52 nước gặp vấn đề về nợ đang phải chi khoảng 20% thu nhập công chỉ để chi trả cho các khoản nợ. Thực trạng nợ nần tại các nước đang phát triển này hiện ở mức rất nghiêm trọng, khi tất cả 52 nước "đang trong tình trạng nợ nần chồng chất, hoặc rất gần với nguy cơ vỡ nợ".
Tuần trước, UNDP đã công bố một báo cáo, trong đó kêu gọi các nước chủ nợ xóa 30% nợ nước ngoài phát sinh trong năm 2021 cho 52 nền kinh tế đang gặp khó khăn, bao gồm Argentina, Liban, Ukraine, 23 nước khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi, 10 nước khu vực Mỹ Latinh - Caribe và 8 nước tại Đông Á và Thái Bình Dương.
UNDP nhấn mạnh rằng các nguồn tài chính mà 25 nước sử dụng để trả nợ này cũng "không bền vững". Do đó, tổ chức này kêu gọi nỗ lực quốc tế nhằm tăng tính thanh khoản, cũng như các giải pháp tái cơ cấu và gia hạn nợ, tránh để các nước trên lâm vào cảnh vỡ nợ. Giám đốc UNDP Steiner cho biết, tổng số nợ rất khó xác định vì hơn 60% khoản nợ là nợ các chủ nợ tư nhân.
Thế giới hiện nay đang đối mặt hàng loạt khủng hoảng do tác động của xung đột Nga - Ukraine, giá lương thực và nhiên liệu tăng, trong khi lạm phát cũng đẩy chi phí lãi suất cho vay lên cao. Giá nhiên liệu leo thang đã dẫn đến "cú sốc ngắn hạn" đối với các quốc gia đang nỗ lực ổn định khả năng tài chính. Trong khi đó, các nước còn phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng trong quá trình chống biến đổi khí hậu, do yêu cầu về thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo.
UNDP cho rằng các nước nghèo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình chuyển đổi xanh, do đó kêu gọi tăng đầu tư quốc tế để cung cấp điện sạch, giá rẻ cho các nước này. Theo cơ quan của Liên Hiệp Quốc này, an ninh năng lượng đã trở thành chủ đề nóng của thế giới trong hai năm qua. UNDP kỳ vọng vào những khoản đầu tư lớn cho lĩnh vực năng lượng sạch trong 5 năm tới, theo đó có thể mang lại cơ hội phát triển cho các nước đang gặp khó khăn để bắt kịp.
Mới đây, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết nợ nước ngoài của các nước nghèo đã tăng rất mạnh trong thập kỷ qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá lương thực và nhiên liệu tăng vọt, cũng như khủng hoảng tài chính. Một số nước đã rơi vào tình trạng vỡ nợ trong hai năm qua, trong đó một số nước châu Phi như Nigeria, Mali và Burkina Faso đã mất tới 20 năm phát triển. Các nước này bị cuốn vào vòng xoáy của bạo lực chính trị gia tăng, thiếu các dịch vụ cơ bản, điều kiện an ninh, y tế và giáo dục không được đảm bảo.