Thi đua sáng tạo cần gắn liền với thực tiễn
Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 01:00, 10/03/2023
Ông Nguyễn Hoàng Hưng - Phó trưởng Ban Thi đua khen thưởng TP.HCM |
Mở rộng phong trào thi đua sáng tạo
Trong phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm “Giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả đề án tổ chức phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2021-2030”, ông Nguyễn Hoàng Hưng - Phó trưởng Ban Thi đua khen thưởng TP.HCM cho biết, phong trào đã đạt được một số kết quả tích cực. Thành phố đã tổ chức nhiều phong trào thi đua chuyên đề, đột xuất, trong đó có nhiều phong trào thi đua mang tính sáng tạo được nhân rộng đến nhiều địa phương trên cả nước.
Tuy nhiên, ông Hưng cũng thừa nhận vẫn còn những hạn chế, như nhiều cơ quan, đơn vị chưa xây dựng kế hoạch thi đua, chưa bảo đảm tiến độ thực hiện, nội dung thi đua chưa đầy đủ. Một số nơi còn chưa có cách làm hay và chưa tận dụng hết nguồn lực, thế mạnh sẵn có.
Ông Nguyễn Trung Khánh - Giám đốc Công ty CP Công nghệ TK25 |
Tại buổi tọa đàm, PGS-TS. Dương Hoa Xô - Phó chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM đánh giá cao những kết quả mà phong trào đã đạt được. Bên cạnh đó, ông Xô cho rằng, TP.HCM vẫn còn rất nhiều tiềm năng về sáng tạo chưa được khai phá.
Theo ông Dương Hoa Xô, để giải thưởng sáng tạo được phát triển sâu rộng thì công tác tuyên truyền rất quan trọng. Công tác tuyên truyền thời gian qua vẫn nằm ở nội bộ, cần phải thúc đẩy tuyên truyền về phong trào này mạnh mẽ qua các kênh thông tin truyền thông.
Về nội dung này, theo ông Lê Công Đồng - Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM, nhiệm vụ tuyên truyền về thi đua sáng tạo sẽ được đưa vào cam kết thi đua của các đơn vị trong khối thi đua 5 trong thời gian tới. Để các giải pháp tham gia có chất lượng thì nên phát triển các cuộc thi từ dưới lên để chọn lọc. Đồng thời, phải có cơ chế đưa vào thực tiễn các giải pháp sáng tạo sau khi đoạt giải.
“Để có ngày càng nhiều bài thi đua, số giải pháp ngày càng nhiều, chúng ta phải phát triển nhiều cuộc thi. Từ đó sẽ chọn lọc được những bài thi tốt, ý tưởng hay”, ông Dương Hoa Xô chia sẻ.
Cũng tại buổi tọa đàm, Phó bí thư Thành Đoàn TP.HCM Ngô Minh Hải cho rằng, để thu hút được sự sáng tạo của người trẻ thì phải có giải pháp để đưa sáng tạo áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Nếu các cuộc thi năm trước có nhiều đề tài sáng kiến, sáng tạo được áp dụng và minh chứng hiệu quả cụ thể qua thực tiễn thì năm sau sẽ có nhiều người trẻ tham gia.
Đừng để sau cuộc thi chỉ là những bằng khen
Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện doanh nghiệp đã có những chia sẻ ở góc độ những người tham gia và từng đoạt các giải thưởng sáng tạo.
Theo ông Nguyễn Trung Khánh, Giám đốc Công ty TK25: “Cần truyền thông rộng rãi hơn nữa các cuộc thi về sáng tạo, xây dựng giải thưởng ngày một chất lượng hơn. Chúng ta hoàn toàn có thể mở rộng cuộc thi thông qua việc truyền thông các giải thưởng ra thế giới, liên kết, hợp tác với các tập đoàn xuyên quốc gia. Ở thời điểm hiện tại, tôi nghĩ rằng nếu 100 doanh nghiệp giành được giải thưởng thì chỉ có khoảng hai doanh nghiệp sau đó có thể biết làm gì để tiếp tục phát triển sản phẩm sáng tạo từ giải thưởng đó. Vì vậy, doanh nghiệp mong cấp có thẩm quyền tạo cho họ một cơ chế để đưa sáng tạo vào thực tiễn”.
Ngoài việc mong được tạo cơ chế để đưa sáng tạo vào thực tiễn, những nhà sáng tạo hiện tại, đặc biệt trong giới thanh niên, sinh viên vẫn gặp rất nhiều khó khăn về mặt kinh phí. Thậm chí, những sản phẩm đoạt giải ngay sau đó bị lãng quên, bởi đơn giản việc tìm kiếm “đầu ra” là vô cùng khó khăn.
Sinh viên Đinh Thanh Nhàn - Câu lạc bộ Sáng tạo và Ứng dụng (Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật) |
Bạn Đinh Thành Nhàn - Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tạo và Ứng dụng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tâm sự: “Nhiều sinh viên tụi em, việc nghiên cứu, sáng tạo vốn là đam mê. Tuy nhiên, nguồn kinh phí là điều cực kỳ khó khăn. Đôi khi để có tiền mua được một con chip thử nghiệm, chúng em đã phải ăn mì trong cả tháng, dù giá của những con chip đó không phải quá cao. Nhiều khi chúng em tham gia cuộc thi sáng tạo, nghĩ đơn giản là giành được giải thưởng, từ đó có thêm kinh phí để nghiên cứu. Và rồi nhiều sản phẩm sau khi đoạt giải cuối cùng còn lại chỉ là những giấy khen mà không có cơ hội để được áp dụng vào thực tiễn. Chúng em mong rằng, những cô chú ở đây có thể hỗ trợ để có giải pháp cho không chỉ những sản phẩm tốt của chúng em mà của rất nhiều bạn đam mê sáng tạo khác có cơ hội được ứng dụng vào đời sống”.
Nếu các cuộc thi năm trước có nhiều đề tài sáng kiến, sáng tạo được áp dụng và minh chứng hiệu quả cụ thể qua thực tiễn thì năm sau sẽ có nhiều người trẻ tham gia.