Tiếp sức năng lực cho nữ doanh nhân

Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 06:00, 10/03/2023

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và Chuyển đổi số, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, quản lý chương trình SheTrades về hỗ trợ doanh nhân nữ thuộc Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) tại Việt Nam cho rằng, nữ doanh nhân vừa lãnh đạo doanh nghiệp, vừa phải làm tròn thiên chức người phụ nữ, họ còn gặp những khó khăn, hạn chế nhất định về năng lực kinh doanh nên cần phải "tiếp sức".
-5873-1678420747.jpg

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy

* Bà đánh giá thế nào sự phát triển, đóng góp của khối doanh nghiệp do nữ doanh nhân lãnh đạo trong nền kinh tế Việt Nam?

- Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, đóng góp 40% GDP, tạo việc làm cho hàng triệu lao động, trong đó doanh nghiệp do nữ doanh nhân lãnh đạo chiếm khoảng 22%.

Trong quá trình hoạt động, nữ doanh nhân luôn chủ động vượt khó, có ý thức phát triển kinh doanh bền vững. Một số nữ doanh nhân đã khá thành công không chỉ ở trong nước mà còn vào danh sách "50 doanh nhân quyền lực ở châu Á", được vinh danh "Nữ doanh nhân ASEAN tiêu biểu", đoạt Giải thưởng "Nữ doanh nhân quyền lực", hoặc nằm trong nhóm "50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc đang thay đổi các ngành công nghiệp và khu vực"...

* Theo bà, giới tính và bình đẳng giới có ảnh hưởng gì tới công việc kinh doanh của các nữ doanh nhân?

- Theo báo cáo "Khoảng cách giới toàn cầu 2020", thế giới cần đến 257 năm để có thể hoàn toàn loại bỏ sự chênh lệch về mặt kinh tế giữa hai giới do chỉ có 55% phụ nữ từ 15-64 tuổi tham gia vào lực lượng lao động, trong khi nam giới chiếm đến 78% và đặc biệt ở vị trí lãnh đạo cấp cao trên toàn cầu, phụ nữ chiếm ít hơn một phần ba (khoảng 29%). Tỷ lệ nữ doanh nhân tại Việt Nam chiếm 31,3%, trong khi nam giới nắm quyền ở vị trí cấp cao giữ một tỷ lệ vượt trội là 77,6%. Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, phụ nữ phải dành nhiều hơn 14 giờ mỗi tuần so với nam giới để làm việc nhà, chăm sóc con cái và người cao tuổi...

Điều đó cho thấy, yếu tố về giới và bình đẳng giới vẫn còn có những ảnh hưởng nhất định tới hoạt động của nữ doanh nhân. 

* Chương trình SheTrades đã giúp được gì trong việc nâng cao năng lực cho nữ doanh nhân, thưa bà?

- SheTrades đã và đang hỗ trợ nữ doanh nhân tiếp cận tài chính thông qua hướng dẫn, đào tạo, tư vấn xây dựng kế hoạch, kết nối với các tổ chức tài chính - ngân hàng, hỗ trợ cách thức triển khai các kế hoạch marketing trên môi trường số và nhiều lĩnh vực khác.

* Theo bà, Nhà nước cần có những định hướng, cơ chế, chính sách gì để thúc đẩy bình đẳng giới?

- Chính phủ đã ban hành chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Đó là cơ sở quan trọng để nữ doanh nhân tiếp tục khẳng định mình và vươn lên trong cuộc sống nói chung, trong kinh doanh nói riêng. 

Tuy nhiên, để nữ doanh nhân phát huy tốt hơn vai trò, cần nâng cao nhận thức cho cộng đồng, nhất là cho nữ giới các vấn đề về giới, bình đẳng giới, cần đẩy mạnh truyền thông, lồng ghép bình đẳng giới vào các chương trình huấn luyện, đào tạo về thương mại, tiếp cận tài chính, định hướng kinh doanh. 

Đặc biệt, cần xây dựng các chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khuyến khích phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa khởi nghiệp kinh doanh, tạo sự lan tỏa rộng rãi, lâu dài.

Ngọc Quỳnh