Khi nhà thầu và chủ đầu tư “lệch pha”: Dự án bị kéo dài
Bất động sản - Ngày đăng : 06:00, 11/03/2023
Tuyến metro số 1 đang tăng tốc hoàn thiện, thử nghiệm trước khi chính thức đưa vào khai thác - Ảnh: Lâm Ha |
Khi doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án đầu tư công, khó khăn nhất là đơn giá nhà nước quy định thấp, cùng với đó là điều kiện giao thầu chưa ổn. Chẳng hạn như giao thầu trong tình hình thị trường bất ổn thì rủi ro cho nhà thầu vì trượt giá và cũng gây rủi ro cho chủ đầu tư. Giá lên thì nhà thầu thiệt, giá xuống thì chủ đầu tư thiệt. Giá vật tư tăng, nhà thầu xin bù giá rất khó.
Ông Lê Viết Hải kiến nghị Nhà nước đưa điều kiện trượt giá vào biên bản ký kết khi gói thầu được phê duyệt, bởi thị trường có quá nhiều biến động. Thời gian vừa qua, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu gây ra tình trạng giá vật tư lúc tăng lúc giảm, chủ yếu là tăng. Do đó, điều kiện trượt giá nên được bổ sung sớm.
Lại có tình trạng giải phóng mặt bằng chưa xong nhưng chủ đầu tư vẫn triển khai đấu thầu. Do đó, khi đã trúng thầu thi công thì chưa có mặt bằng, dẫn đến tình trạng dự án bị kéo dài, chi phí đội lên. Khi đó, nhà thầu xin tăng vốn cũng rất khó, thủ tục kéo dài, gây thiệt hại chung cho tất cả các phía. Cùng với những nguyên nhân nêu trên, phương thức quản lý dự án từ phía Nhà nước cũng chưa hiệu quả.
Để đảm bảo dự án đầu tư công thực hiện hiệu quả, quan trọng nhất là công tác chuẩn bị phải đầy đủ, như sắp xếp đủ vốn, đủ mặt bằng thi công, thiết kế kỹ thuật hoàn chỉnh, các chi phí được tính trước đầy đủ. Chỉ khi lường trước và kiểm soát được các vấn đề phát sinh thì việc thực hiện dự án mới đúng tiến độ.
Theo ông Lê Viết Hải, năng lực thi công của nhà thầu Việt Nam không thua kém các nhà thầu nước ngoài, nhưng năng lực quản lý của chủ đầu tư đâu đó còn yếu dẫn đến việc thi công trễ, nhà thầu bị lỗ. Vì vậy, Nhà nước nên có những cam kết về hợp đồng thi công với nhà thầu, đồng thời chấp nhận việc nếu cán bộ nhà nước làm sai thì phải đền bù cho nhà thầu.