Ung thư có thể phòng ngừa?
Sống khỏe - Ngày đăng : 02:00, 12/03/2023
Những yếu tố gây ung thư
Theo GS-TS-BS. Nguyễn Chấn Hùng - nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, thuốc lá chứa hơn 60% chất gây ung thư, khói thuốc lá không chỉ hại người nuốt khói mà cả những người hít khói thụ động, gây ra hơn 15 loại ung thư, không chỉ ở phổi, họng, thanh quản thực quản mà còn ở bao tử, tụy, bọng đái, ruột, thực quản, vú, cổ tử cung... Cứ ba người bị ung thư thì một người là do hút thuốc lá,
Các yếu tố nguy cơ gây nên ung thư như virus HBV, HCV, bia rượu và aflatoxin là “liên thủ” tàn phá lá gan. Xoắn khuẩn H.Pylori, khói thuốc lá, thức ăn muối mặn “đánh hội đồng” dạ dày. EBV kết hợp chế độ ăn mặn gây ung thư vòm họng ở vùng Đông Nam Á, sốt rét mạn tính gây lymphom Burkitt ở châu Phi. HIV gây suy giảm hệ miễn dịch, tạo thời cơ cho sarcom Kaposi, lymphom làm tăng tỷ lệ mắc ung thư.
Theo ước tính của Cơ quan Quốc tế về nghiên cứu ung thư (IARC), ăn uống không lành mạnh gây ra 1/3 ung thư. TS-BS. Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, thực phẩm “bẩn” tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường do chứa những hóa chất độc hại gây bệnh ung thư. Ví dụ như bún, phở có chứa formaldehyde khi vào cơ thể sẽ gây bệnh ung thư.
Thời gian gần đây có những thông tin về các chất chỉ được sử dụng trong công nghiệp như phẩm màu công nghiệp lại được cho vào thức ăn. Phẩm màu công nghiệp đều có những chất gây ung thư. Hoặc có những quán nhậu cho hàn the, những hóa chất độc hại khác vào thịt thối để làm thịt trở nên “tươi”, những chất này đều có thể gây ung thư. Thực phẩm không an toàn, làm tăng nguy cơ bị ung thư. Bên cạnh đó, điều kiện môi trường sống như khói, bụi, chất thải công nghiệp cũng góp phần tăng nguy cơ bị ung thư.
Ung thư có phòng ngừa được không?
GS. Nguyễn Chấn Hùng từng nhấn mạnh: "40% số ung thư có thể phòng ngừa được. Phải hạn chế nguy cơ và khuyến khích mọi người theo nếp sống lành mạnh, loại bỏ thuốc lá, tránh uống rượu quá đà, phòng tránh bệnh nhiễm, tập thể dục đều, ăn đúng ăn lành, giữ cân nặng vừa phải.
Ung thư phổi, gan, dạ dày khó trị, nhưng có thể phòng tránh. Nên lưu ý, phòng bệnh với vaccine chống HBV và HPV, tiêm vaccine ngừa HPV, xét nghiệm điều trị H.Pylori để phòng ngừa các bệnh nhiễm này trước khi chúng gây ung thư.
Bảo quản thức ăn đúng cách, bỏ thói quen ăn cá sống, dùng sản phẩm có màu an toàn, ăn nhiều rau xanh giúp giảm nguy cơ ung thư. Nhiều nghiên cứu cho thấy, không ăn nhiều rau xanh, trái cây dẫn đến tỷ lệ mắc ung thư cao. Đan Mạch là một nước phát triển, môi trường tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm triệt để nhưng ung thư vẫn cao với mức hơn 300 người dân mắc ung thư/100.000 dân là do ít ăn rau tươi, ít vận động.
Tương tự, Mỹ, Pháp là những nước phát triển nhưng tỷ lệ người dân mắc bệnh ung thư vẫn cao so với nhiều nước khác. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyên mỗi ngày nên ăn 5 loại trái cây và thể dục thể thao mỗi ngày.
GS. Nguyễn Chấn Hùng nhắn nhủ: “Đừng nghĩ mắc ung thư là do số phận nên buông xuôi, đến khi chịu không thấu mới tìm đến bệnh viện thì đã trễ. Tôi muốn nhắc mọi người là ung thư biết sớm sẽ trị lành. Ung thư là do con người, có thể phòng tránh nhờ đã biết nhiều nguyên nhân gây bệnh. Khoảng 80% nguyên nhân ung thư là do những gì con người ăn uống, hít thở, cọ xát hoặc phơi trải”.
GS. Nguyễn Chấn Hùng cảnh báo ung thư đang là một trong những bệnh lý gia tăng hàng đầu và tiếp tục là gánh nặng cho gia đình, xã hội và hệ thống y tế. Do vậy, bệnh cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
“Hiện nay, hầu hết ung thư phát hiện ở giai đoạn muộn. Do người bệnh đến lúc bệnh hết chịu nổi mới đến bệnh viện khám. Người dân sau 40 tuổi cần khám và tầm soát định kỳ để có thể phát hiện sớm các ung thư thường gặp. Hiện nay có nhiều tiến bộ trong phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị ung thư”, GS. Nguyễn Chấn Hùng khuyến cáo.