Đề xuất hai phương án đóng bảo hiểm xã hội trong doanh nghiệp
Pháp luật - Ngày đăng : 06:00, 14/03/2023
Theo đó, đối với phương án 1, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật. Đây là phương án như quy định hiện hành. Theo phương án này, mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác đều đã xác định từ trước. Những khoản biến động trong quá trình làm việc của lao động chưa được tính đóng.
Còn đối với phương án 2, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung theo quy định của pháp luật lao động. Theo phương án này, tiền được tính đóng bao gồm cả khoản xác định được trước lẫn biến động trong quá trình làm việc của lao động. Như vậy, nền tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ được nâng lên để hưởng lương hưu cao hơn. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội này không bao gồm tiền thưởng, các khoản hỗ trợ và trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng đưa ra giới hạn tối thiểu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 2 triệu đồng/tháng và tối đa là 36 triệu đồng/tháng; giới hạn tối thiểu đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,5 triệu đồng/tháng và tối đa là 36 triệu đồng/tháng. Chính phủ quy định việc điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao nhất trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật lao động. Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá, sau năm 2016, tức thời điểm Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chính thức có hiệu lực, mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tăng không đáng kể, chỉ tăng theo sự điều chỉnh mức tăng tiền lương tối thiểu vùng hằng năm.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được lấy ý kiến nhân dân đến tháng 4/2023, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023 và thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.