Ngành tài chính thế giới rúng động sau khi 3 ngân hàng Mỹ phá sản

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 08:39, 14/03/2023

Ngày 13/3, Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan quản lý ngân hàng ra thông báo chung đóng cửa ngân hàng Signature Bank (SB), có trụ sở ở bang New York. Sự việc diễn ra chỉ 2 ngày sau khi ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) ở California phá sản.

Tuyên bố chung của các cơ quan quản lý nêu rõ, tất cả tiền gửi tại Signature Bank sẽ còn nguyên vẹn và “người đóng thuế sẽ không bị ảnh hưởng”. Các nhà quản lý ngân hàng New York đã chỉ định Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) là nơi nhận tiền bán các tài sản của Signature Bank sau này.

Theo Cơ quan Dịch vụ tài chính bang New York, Signature Bank đã thông báo tổng bảo hiểm tiền gửi là 89,17 tỷ USD tính đến ngày 8/3. Trước đó, tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của ngân hàng này là khoảng 110,36 tỷ USD.

Ngày 13/3, FDIC đã lập một ngân hàng “cầu nối” với Signature Bank, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận với nguồn tiền của mình. Theo FDIC, toàn bộ tiền gửi và tiền vay của Signature Bank sẽ tự động trở thành khách hàng của ngân hàng “cầu nối” này.

Signature Bank là ngân hàng thương mại có các văn phòng khách hàng tư nhân tại bang New York, Connecticut, California, Nevada và North Carolina, với 9 dòng kinh doanh như buôn bán bất động sản và ngân hàng tài sản kỹ thuật số…

Trong một diễn biến khác, một quan chức cấp cao Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các chính sách mới được các nhà quản lý ngân hàng thông qua ngày 12/3 sẽ “làm sạch” cổ phần và trái chủ tại 2 Silicon Valley Bank và Signature Bank, chỉ tập trung bảo vệ toàn bộ tiền gửi của khách hàng. Quan chức này cũng khẳng định người đóng thuế sẽ không phải gánh các thiệt hại của 2 ngân hàng trên.

-1820-1678757866.jpg

Hầu hết thị trường chứng khoán ở châu Á, châu Âu, Mỹ đã giảm điểm sau khi 2 ngân hàng lớn của Mỹ đóng cửa, dù nhà chức trách Mỹ đã cam kết bảo vệ khách hàng, nhưng vẫn dấy lên lo ngại trên thị trường tài chính.

Theo CNN, tính đến 22 giờ (giờ Việt Nam) các chỉ số chứng khoán toàn cầu giảm trung bình 2%. Cụ thể thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) giảm điểm 1,1%, trong khi các thị trường tại Sydney (Úc), Seoul (Hàn Quốc), Singapore, Đài Bắc (Trung Quốc), Wellington (New Zealand), Manila (Philippines) và Jakarta (Indonesia) đều trong vùng đỏ.

Tại châu Âu, các chỉ số chính đều giảm ít nhất 2%, gồm FTSE (London, Anh) giảm 2,02%, DAX (Đức) giảm 2,7%, CAC (Pháp) giảm 2,53%, các chỉ số của Thụy Sĩ biến động ít hơn chỉ giảm 1,15%. Tại Mỹ và Nam Mỹ chỉ số S&P500 tăng 0,86%, Dow Jones tăng 0,9%, trong khi S&P/TSX 60 của Canada giảm tới 1,55%, Brazil Bovespa 1,23%...

Cùng ngày, chỉ số đồng USD đã giảm 0,153% xuống 104,080. Trong khi đó, đồng yên của Nhật tăng 0,34% lên 134,52 yên đổi 1 USD - mức cao nhất trong 1 tháng qua, trong bối cảnh nhà đầu tư tìm đến tài sản an toàn. Đồng EUR tăng 0,44% lên 1,069 EUR đổi 1 USD, trong khi đồng bảng Anh tăng 0,47% lên mức 1,2085 USD đổi 1 bảng.

Theo bà Carol Kong - chiến lược gia tiền tệ tại Commonwealth Bank của Úc cho biết, thị trường tiền tệ vẫn đang “ ngóng” những tin tức liên quan vụ sụp đổ 2 ngân hàng Mỹ.

Vụ sụp đổ mới nhất cũng khiến các nhà đầu tư đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ lưỡng lự về dự kiến tăng lãi suất cơ bản trong tháng này. Hiện các nhà đầu tư tập trung theo dõi số liệu lạm phát dự kiến được công bố ngày 14/3 để dự đoán mức tăng lãi suất của FED.

Đổng Văn