Giá khách sạn tăng vọt nhờ du lịch “ăn trả bữa”
Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 17/03/2023
Theo Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Khách sạn Hilton Alan Watts, giá khách sạn đang "cao nhất từ trước đến nay" do nhu cầu du lịch tăng vọt khi đại dịch Covid-19 bị đẩy lui. Việc này giống như "ăn trả bữa" sau ngày dài bị đói. Riêng quý IV/2022, giá phòng trung bình mỗi ngày tại Hilton tăng 8% so với cùng kỳ 2019. Hai chuỗi khách sạn lớn khác là Marriott và IHG tăng giá 13%, trong khi Hyatt tăng 14%. Đây là mức giá trung bình trên toàn cầu, còn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mức giá thậm chí còn cao hơn.
Thời điểm châu Á phục hồi du lịch
Nhận xét của Watts là chính xác, do lượng khách quốc tế năm ngoái trên toàn cầu phục hồi 63% so với trước Covid-19, nhưng chưa khởi sắc tại châu Á - Thái Bình Dương, khi khu vực này chỉ đạt 23%. Song dữ liệu hiện cho thấy, sự bùng nổ du lịch ở khu vực này đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, đặc biệt là khách Trung Quốc.
Tổ chức Du lịch Thế giới năm ngoái kỳ vọng việc Trung Quốc - thị trường outbound lớn nhất thế giới, nối lại du lịch sẽ đóng góp tích cực cho du lịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương lẫn thế giới. Theo Nikkei Asia, trước Covid-19, hằng năm khoảng 150 triệu người Trung Quốc du lịch nước ngoài, trong đó khoảng 27 triệu chuyến tới 6 điểm đến hàng đầu ở Đông Nam Á.
Từ đầu tháng 1 đến nay, du khách Trung Quốc dần quay lại Thái Lan. Tại Bangkok, khách Trung Quốc xuất hiện ngày một nhiều hơn tại các điểm đến nổi tiếng, dù số lượng hiện vẫn thấp hơn nhiều so với trước dịch. Đại diện Ctrip - một website đặt phòng du lịch ở Trung Quốc cho biết, giá phòng khách sạn trung bình ở Bangkok đã tăng khoảng 70% vào cuối tháng 1.
Theo Traveloka, giá khách sạn trung bình khắp Đông Nam Á tăng hơn 10% từ năm 2022. Joydeep Chakraborty - Giám đốc Chiến lược của Traveloka nói, giá phòng tăng hơn 45% tại các điểm đến hút khách Trung Quốc nhất. Mức tăng đáng kể nhất ghi nhận ở Bali, Bangkok, Phuket và Singapore. Bangkok đứng đầu với hơn 70% và Singapore xếp sau với hơn 40%.
Giá phòng không chỉ tăng ở phân khúc xa xỉ mà còn tăng đáng kể ở phân khúc cao cấp. Dữ liệu từ Morgan Stanley đầu tháng 2 phản ánh đúng xu hướng này, cho thấy sự quan tâm của từ 18% lên 34% khách Trung Quốc với khách sạn sang trọng trong năm qua. Trong khi đó, theo báo cáo từ công ty nhận dạng dữ liệu Adara, khách Trung Quốc đang chi nhiều hơn đáng kể cho phòng khách sạn: ít người đặt phòng dưới 100 USD/đêm và số người đặt phòng từ 400 USD trở lên tăng gần gấp ba.
"Không có gì ngạc nhiên khi giá khách sạn hạng sang tăng sau khi Trung Quốc mở lại du lịch quốc tế. Trước đại dịch, khách Trung Quốc chi nhiều nhất thế giới", David Mann - chuyên gia kinh tế tại Viện Kinh tế Mastercard nói.
Hơn nữa, du lịch quốc tế hiện gần như chỉ giới hạn với người có tiền, khi giá vé máy bay tăng gấp hai, thậm chí gấp ba. Khi Trung Quốc bất ngờ thông báo tái mở cửa du lịch, các hãng bay đã không tăng số chuyến, dẫn đến chỗ ngồi hạn chế và đội giá vé lên ngất ngưởng. Đơn cử, vé khứ hồi giữa San Francisco và Thượng Hải của United Airlines vào tháng 3 cho hạng phổ thông là 4.000 USD và hơn 18.000 USD cho hạng thương gia.
Sự trở lại không ổn định và xu hướng thay đổi
Dù vậy, có bằng chứng cho thấy giá khách sạn cao có thể chỉ tồn tại trong ngắn hạn, hoặc sẽ tăng giảm thất thường. Theo nền tảng đặt phòng Kayak, giá khách sạn khu vực châu Á - Thái Bình Dương có xu hướng tăng, song một số thuộc phân khúc cao nhất đã bắt đầu giảm. Từ tháng 1 đến tháng 2, giá phòng phân khúc sang trọng ở Bangkok giảm 36%, Singapore giảm 33%, trong khi tăng 70% ở Hồng Kông và 73% ở Tokyo. Số liệu này cho thấy nhu cầu thực tế của du khách là yếu tố làm tăng giá phòng: du khách đổ đến đâu thì giá tăng tại đó.
Một lý do nữa khiến giá phòng tăng là khủng hoảng nhân lực ngành du lịch. Khi Covid-19 được kiểm soát, dịch vụ khách sạn tại nhiều nước rơi vào cảnh thiếu nhân lực trầm trọng, do một lượng lớn nhân viên bị cho nghỉ hoặc tự nghỉ trong thời gian dịch. Tình trạng này buộc các khách sạn phải hạn chế số phòng, từ đó làm giảm nguồn cung, đẩy giá phòng cao hơn. Do đó, nếu không tái thu hút nhân lực du lịch, đà tăng giá phòng sẽ không ổn định.
Hơn nữa, dù việc tăng giá giúp các khách sạn bù lỗ cho ba năm qua và thậm chí mang lại cơ hội tăng trưởng, điều này vẫn có thể trở thành gánh nặng khác với túi tiền của du khách - những người vốn đã chịu nhiều sức ép từ đà tăng phí sinh hoạt do lạm phát. Dù mức tăng hai con số có thể không làm quá nhiều du khách Trung Quốc lo lắng, cần biết rằng thói quen chi tiêu cũng đã thay đổi sau dịch.
Theo Wing Kwoing - một hướng dẫn viên du lịch ở Campuchia, khách Trung Quốc đến trong kỳ Tết Nguyên đán vừa qua đã ý thức hơn về việc tiêu tiền ở đâu và như thế nào. Chẳng hạn, trước đây mỗi người uống một trái dừa thì nay vài ba người cùng uống một trái. Trước đây, họ ăn ở nhà hàng sang trọng thì nay ở nhà hàng bình dân.
Colin Goh - quản lý trải nghiệm du lịch tại Let's Go Tour Singapore nói, các công ty du lịch ở Singapore cũng thấy nhu cầu ngày càng tăng với các tour du lịch tư nhân từ các nhóm du lịch nhỏ hơn của Trung Quốc. Họ muốn thứ cụ thể và rất ý thức về những gì mình muốn làm và không muốn đi theo hướng dẫn viên du lịch. Với việc khách Trung Quốc không chọn đi theo tour mà tự đi, chi tiêu ít hơn, thích du lịch mạo hiểm ở Đông Nam Á, các công ty du lịch cần thích ứng nhanh nếu muốn nắm bắt cơ hội tăng trưởng.