Doanh nghiệp muốn tồn tại phải “xanh hóa”

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:51, 17/03/2023

Kinh tế xanh, phát triển bền vững là yêu cầu bắt buộc nếu doanh nghiệp (DN) muốn tồn tại, cạnh tranh trong môi trường khó khăn hiện nay.
Doanh nghiệp muốn tồn tại phải “xanh hóa”

Doanh nghiệp xanh là xu thế, tất yếu trong môi trường kinh doanh hiện nay

Thành công nhờ “xanh hóa”

Công ty Nhựa tái chế Duy Tân đã xuất khẩu 4.000 tấn hạt nhựa tái chế sang thị trường Mỹ và 12 nước trên thế giới. Đặc 4.000 tấn hạt nhựa tái chế này được công ty sử dụng từ rác nhựa tại Việt Nam. Để chinh phục được những thị trường này, Duy Tân đã triển khai và đạt 15 tiêu chuẩn quốc tế khắt khe như ISO, FDA, HACCP… 

Xây dựng vào cuối năm 2019 tại tỉnh Long An và bắt đầu đi vào hoạt động năm 2020, nhà máy của Duy Tân xử lý, sản xuất 30.000 tấn nhựa PET mỗi năm và dự kiến tăng công suất lên gấp đôi trong tương lai gần. Với công suất hiện tại, nhà máy Duy Tân có thể tái chế được khoảng 3 tỷ chai nhựa/năm, và chỉ riêng năm 2022 đã thu gom và tái sinh hơn 1,3 tỷ chai nhựa. 

Trong ngành hàng sữa, Vinamilk cũng rất thành công với “sản xuất xanh” khi đã phát triển một chuỗi các trang trại xanh, trở thành một DN tiên phong không chỉ tại Việt Nam mà cả trên thế giới trong việc tạo ra dòng sữa từ phát triển xanh. Nhiều năm qua, DN này đã liên tục đầu tư công nghệ, chuẩn hóa sản xuất, mở rộng các trang trại theo nhiều tiêu chuẩn quốc tế như Organic châu Âu, Global G.A.P hay các nhà máy với chuẩn FDA, FSSC 22000. 

-7576-1678963623.jpg

Với những hạt nhựa tái chế từ vỏ chai, Duy Tân đã chinh phục thị trường Mỹ

Không chỉ có Vinamilk, Duy Tân, một số DN cũng đã chinh phục thị trường trong và ngoài nước nhờ hướng đến việc tăng trưởng xanh. Ngay cả trong lĩnh vực khởi nghiệp, các DN chú trọng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đã bắt đầu đã có những bước thâm nhập thị trường thế giới. Theo báo cáo của chương trình Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cũng cho thấy, nhiều DN khởi nghiệp xanh đã có bước phát triển mạnh, thâm nhập vào những thị trường quốc tế như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Xu hướng không thể đảo ngược 

Chia sẻ tại lễ trao chứng nhận cho các DN đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao tối ngày 14/3, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, xây dựng nền kinh tế xanh là nhiệm vụ cấp bách. Tuy nhiên, nếu không có sự chọn lựa đúng, nếu không có sự chuẩn bị chính sách cũng như các nguồn lực khác, chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Trong định hướng và xây dựng chính sách để phát triển nền kinh tế xanh trên địa bàn và đồng hành cùng DN, chính quyền TP.HCM quyết tâm hoàn thiện chính sách và rất cần sự tham gia của các thành phần kinh tế - xã hội, đặc biệt là sự đóng góp của các chuyên gia và cộng đồng DN. 

Còn các chuyên gia thì cho rằng, kinh tế xanh, phát triển bền vững là xu hướng không thể đảo ngược và cũng không thể né tránh. Trao đổi tại tọa đàm “HVNCLC và cơ hội vươn lên trong nền kinh tế xanh” mới đây, ông Võ Tân Thành - Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, từ năm 2010, Việt Nam đã bắt đầu có chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế xanh. Hiện Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có rất nhiều hiệp định thế hệ mới có những đòi hỏi khắt khe về môi trường, phát triển bền vững. 

Cũng theo ông Thành, khách hàng quốc tế hiện nay đòi hỏi không chỉ giá rẻ, chất lượng tốt mà còn phải thân thiện với môi trường. Trong nước cũng vậy, người tiêu dùng ngày càng thông thái và khắt khe hơn, họ ủng hộ các trào lưu như tiêu dùng xanh. Đây là yêu cầu mà các DN, các nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ phải đáp ứng.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học Công nghệ) thông tin, hiện Việt Nam đã xây dựng được hạ tầng tiêu chuẩn cho cộng đồng DN với gần 13.500 tiêu chuẩn quốc gia, trong đó khoảng 65% hài hòa với tiêu chuẩn thế giới. Nhưng muốn phát triển được nền kinh tế xanh, phải có hệ thống tiêu chuẩn xanh để giúp DN từ tiêu chuẩn cơ sở xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, từ đó làm cơ sở tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, việc xây dựng tiêu chuẩn không đơn thuần là công việc của cơ quan nhà nước mà cần có sự tham gia của các DN. “Chúng tôi rất mong muốn sự tham gia của cộng đồng DN vào việc xây dựng tiêu chuẩn, để phục vụ lợi ích cho chính DN, biến tiêu chuẩn thành công cụ để DN cạnh tranh”, ông Nguyễn Hoàng Linh đề xuất.

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người gắn bó cùng quá trình phát triển 27 năm của chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ qua Hội nghị COP26 (Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26) về việc thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển xanh trong tương lai, chúng ta càng phải thúc đẩy khả năng của DN cũng như người tiêu dùng theo hướng tăng trưởng xanh nhiều hơn. 

“Việc của các DN bây giờ là nắm bắt nhanh và thích ứng kịp thời với xu hướng này. DN muốn tồn tại, muốn cạnh tranh được trên thị trường thì phải xanh hóa, phải là DN xanh, nếu không thì không thể tồn tại và phát triển được”, bà Chi Lan nhấn mạnh.

Hồng Nga