TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội
Trong nước - Ngày đăng : 06:14, 18/03/2023
Đó là nhận định trên được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đưa ra tại hội nghị "Tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ" diễn ra ngày sáng ngày 18/3 tại Bình Phước.
Theo ông Mãi, trong những năm qua, TP.HCM chỉ mới ký kết hợp tác với ba tỉnh vùng Đông Nam bộ, còn lại chưa ký kết hợp tác cụ thể với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Do đó, dù các địa phương đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn còn các mặt tồn tại, hạn chế ở nhiều lĩnh vực.
"Để phát triển vùng trong thời gian tới, TP.HCM xác định 7 nội dung cần đẩy mạnh như hợp tác quy hoạch, kết nối cung cầu, giao thông hạ tầng... Ngoài ra, chúng ta xem xét việc có nên lập tổ chức hội đồng vùng hay không, tổ chức thế nào, điều phối hoạt động ra sao; có nên thành lập quỹ cho việc phát triển hạ tầng giao thông vùng", ông Mãi đề xuất.
Cũng theo lãnh đạo UBND TP.HCM, TP.HCM đang cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế đột phá phát triển cho thành phố, dự kiến sẽ trình Quốc hội trong tháng 5 tới. Trong việc phát triển này, vai trò liên kết các tỉnh thành trong khu vực rất quan trọng.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng đã ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm của các địa phương, ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp trong việc xây dựng một cơ chế, chính sách cho hoạt động của vùng Đông Nam bộ trong thời gian tới, nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực Đông Nam bộ.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng nghe các bài phát biểu, tham luận của lãnh đạo UBND các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh về việc tập trung nguồn lực xây dựng những công trình trọng điểm cấp vùng, đẩy mạnh liên kết và hợp tác giữa các địa phương giúp chia sẻ nguồn tài nguyên, cùng sử dụng chung cơ sở hạ tầng như cảng biển, sân bay, đường cao tốc, đẩy mạnh phân cấp vùng để hình thành cơ chế riêng nhằm tập trung xử lý các vấn đề quy hoạch, thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng và huy động phân bổ nguồn lực của vùng.
Bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết để tập trung cao hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050, tỉnh đã xây dựng và ban hành 58 đề án, chương trình, kế hoạch. Tỉnh rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của các địa phương, đặc biệt là về hạ tầng giao thông.
Cũng theo bà Hiền, địa phương đang nỗ lực để khắc phục sự bất lợi về vị trí địa lý thông qua các dự án kết nối vùng Đông Nam Bộ, trong đó trọng tâm là cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)…
Lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023- 2025 |
"Hiện Bình Phước vẫn cách sân bay và cảng biển khoảng 3 tiếng, chưa có kết nối cao tốc. Các nhà đầu tư quốc tế đều cho rằng chỉ cần rút ngắn được khoảng 40% thời gian di chuyển trên thì Bình Phước sẽ là điểm đến rất hấp dẫn", bà Hiền cho biết.
Còn ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho rằng các tỉnh vùng Đông Nam bộ cần cùng nhau nhận định lại thế mạnh, hạn chế để cùng đưa ra giải pháp phù hợp trong đầu tư, khai thác và phát triển.
"Khu du lịch núi Bà Đen không chỉ có vai trò với tỉnh mà có yếu tố phát triển du lịch cả miền Đông, hay cửa khẩu Mộc Bài cũng đóng vai trò tốt, ảnh hưởng đến kinh tế cả vùng. Nếu để một địa phương tự xoay xở thì sẽ khó tận dụng hết được lợi thế đó", ông Ngọc nói.
Theo nhiều đại biểu, chính sách phát triển vùng Đông Nam bộ đã được nêu rõ tại nghị quyết 24 với nhiều điểm tích cực. Tuy nhiên, thời gian tới rất cần sự chủ động của các địa phương trong việc tăng liên kết, và đề xuất trung ương tạo điều kiện cho vùng thông qua những cơ chế thoáng.
Dịp này, UBND TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ đã ký kết văn bản thoả thuận, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023-2025.