Việt Nam phấn đấu vào top 4 thị trường chứng khoán ASEAN

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 07:00, 21/03/2023

Việt Nam đặt mục tiêu năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi, từ đó hội nhập thị trường tài chính, chứng khoán thế giới và hướng tới trình độ phát triển của 4 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam phấn đấu vào top 4 thị trường chứng khoán ASEAN

Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đặt mục tiêu tăng quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu, tăng dư nợ thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng trung bình 20-30% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2030.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chỉ ra các mục tiêu cụ thể trong giai đoạn tới như chú trọng phát triển về số lượng nhà đầu tư cá nhân, tổ chức, chuyên nghiệp và nước ngoài đồng thời tăng tỷ trọng trái phiếu chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ.

Với thị trường, mục tiêu sẽ hướng tới phát triển bền vững, nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết và áp dụng tiêu chuẩn ESG (quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp), hoàn thành phân định thị trường trên các sở giao dịch trong năm 2025. Đặc biệt là mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi, từ đó hội nhập thị trường tài chính, chứng khoán thế giới và hướng tới trình độ phát triển của 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.

Link bài viết

Tuy nhiên để đạt được mục tiêu chiến lược đặt ra, cũng có một số thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn. Cụ thể, các cấu phần thị trường tài chính Việt Nam vẫn chưa có sự liên kết chặt chẽ. Trong khi, các kết nối xuyên biên giới đang tạo áp lực trong đổi mới và công tác quản lý, giám sát thị trường. Mặt khác, quy mô trường ngày càng tăng cùng với đó là mức độ phức tạp và áp lực cạnh tranh với các sở giao dịch chứng khoán trong khu vực và thế giới.

Để triển khai hiệu quả chiến lược đã đặt ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện một số giải pháp chính trong thời gian tới, trong đó tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đáp ứng yêu cầu của thị trường đồng thời tăng cường năng lực quản lý, đa dạng hàng hóa nguồn cung có chất lượng, đa dạng hóa nhà đầu tư. Để triển khai các giải pháp trên được thuận lợi, hệ thống cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin sẽ được nâng cao. Bên cạnh đó, hệ thống các tổ chức trung gian thị trường cũng sẽ được tăng cường cả về vai trò và năng lực nghề nghiệp.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần phát triển các nhà đầu tư tổ chức trong nước và thúc đẩy quá trình hình thành tài sản dài hạn của công dân Việt Nam, cũng như tích lũy tài sản quốc gia. Mặt khác, các cấp quản lý cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và nâng cao năng lực thực thi hệ thống chào bán cổ phiếu ra công chúng và niêm yết, cũng như nâng cao ý thức bảo vệ nhà đầu tư của ban lãnh đạo (như quản trị doanh nghiệp, công bố thông tin...).

Minh Huy