Tổng hợp tin doanh nghiệp ngày 24/3

Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 24/03/2023

Những tin tức đáng chú ý: Trung Quốc tăng nhập khẩu trà Việt Nam, Giá bán điện của dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, Đề nghị chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình để chống gian lận thuế, chống buôn lậu… nổi bật trong ngày 24/3.

Trung Quốc tăng nhập khẩu, giá trị xuất khẩu trà tăng gấp 4 lần

Thông tin về tình hình xuất nhập khẩu chè trong 2 tháng đầu năm nay, Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu trà sang Trung Quốc đang tăng mạnh về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Bộ Công Thương dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy, trong tháng 2, xuất khẩu trà đạt 6.900 tấn, trị giá 11,3 triệu USD. Giá trà xuất khẩu bình quân cũng đạt hơn 1.641 USD/tấn, tăng 10,5% so với tháng 2.2022.

Theo đó, trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu trà đạt 13.600 tấn, trị giá 22,6 triệu USD, giảm 7,9% về lượng và giảm 3,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, giá trà xuất khẩu bình quân vẫn đạt hơn 1.643 USD/tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu trà sang thị trường Pakistan trong 2 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng khá, đạt 5.300 tấn, trị giá 9,4 triệu USD, tăng 5,8% về lượng so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu trà của Việt Nam tới Nga, Indonesia, Mỹ giảm mạnh nhưng xuất khẩu đến Iraq và Trung Quốc, Ả Rập Xê Út lại tăng mạnh.

Đặc biệt là thị trường Trung Quốc tăng trưởng mạnh cả về khối lượng và giá trị. 2 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu 426 tấn trà từ Việt Nam. Giá trà xuất khẩu tăng cao nên khối lượng chỉ tăng 121% nhưng giá trị tăng 411,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng theo Bộ Công Thương, việc mở cửa thị trường trở lại sau dịch Covid-19 là yếu tố chính khiến xuất khẩu trà sang Trung Quốc tăng trưởng trong những tháng đầu năm nay.

-4577-1679582199.jpg

Trước 31/3, thống nhất giá bán điện của dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp

Bộ Công Thương đã có văn bản về thỏa thuận giá điện với các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp gửi đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Bộ đề nghị trước ngày 31/3, EVN cần thống nhất giá bán điện với các chủ đầu tư dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh lãng phí tài nguyên.

Trước đó, ngày 7/1/2023, bộ đã có quyết định số 21 về ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Giá trần của dự án điện mặt trời chuyển tiếp là 1.185-1.508 đồng/kWh và điện gió 1.587-1.816 đồng/kWh, tuỳ từng loại hình.

Ngày 9/1/2023, bộ cũng có văn bản đề nghị EVN và các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thống nhất giá phát điện, đảm bảo không vượt quá khung phát điện do bộ ban hành.

Hồi đầu tháng 3 vừa qua, Bộ Công Thương cũng hướng dẫn EVN căn cứ theo quy định tại Luật Điện lực, các nội dung phù hợp với thực tế của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp để thỏa thuận, thống nhất giá phát điện.

Theo TTXVN,  phía EVN cho biết, đơn vị đã gửi văn bản đề nghị các nhà đầu tư gửi hồ sơ chuẩn bị cho quá trình đàm phán giá, hợp đồng. Tuy nhiên đến ngày 20/3, chỉ có một chủ đầu tư gửi hồ sơ.

Trong hội nghị về tháo gỡ khó khăn trong việc đàm phán giá điện giữa EVN và các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo ngày 20/3 vừa qua, nhà đầu tư kiến nghị EVN huy động điện với giá tạm tính là 6,2 cent/kWh.

-1917-1679582199.jpg

Đề nghị chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình để chống gian lận thuế, chống buôn lậu

Cổng thông tin Bộ Giao thông Vận tải cho biết, việc giám sát hoạt động của xe ô tô khi tham gia kinh doanh vận tải được quy định tại Luật Giao thông đường bộ và xe phải gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Chính phủ.

Quy định tại Nghị định 10/2022/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải cũng giao Cục Đường bộ tiếp nhận quản lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô kinh doanh vận tải truyền về.

Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 1 triệu xe kinh doanh vận tải lắp thiết bị giám sát hành trình và truyền dữ liệu về Cục Đường bộ. Tuy nhiên, nguồn dữ liệu khổng lồ từ 1 triệu thiết bị giám sát hành trình truyền về vẫn chỉ là tư liệu đơn lẻ, chưa có tính liên thông kết nối để chia sẻ thông tin giữa các ban, ngành liên quan.

Thời gian qua, theo đề nghị của Cục Cảnh sát giao thông, Tổng cục Hải quan, Cục Điều tra phòng, chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan và Cục Thuế một số địa phương, Cục Đường bộ đã cấp tài khoản truy cập, khai thác dữ liệu trên hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình cho các cơ quan này phục vụ công tác quản lý.

Vì thế, để sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu, Cục Đường bộ vừa có văn bản đề nghị Cục Cảnh sát giao thông, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế nghiên cứu phương án kết nối, chia sẻ dữ liệu từ hệ thống thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô để phục vụ công tác quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao, TTXVN đưa tin.

Đây là dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và phối hợp quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, an ninh, quản lý thuế, phòng chống buôn lậu của ngành công an, hải quan và thuế, đặc biệt nhấn mạnh đến việc sử dụng nguồn dữ liệu trong công tác đấu tranh phòng chống gian lận thuế, chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Thương mại điện tử chiếm hơn 60% giá trị nền kinh tế số

Theo báo cáo của ngành thương mại điện tử năm 2023 với chủ đề “Thương mại điện tử phát triển bền vững: động lực thúc đẩy nền kinh tế số”, năm 2022, tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) của nền kinh tế số Việt Nam chạm mốc 23 tỷ USD, tăng 28% so với năm trước.

Con số này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 31% và chạm mốc 49 tỷ USD vào năm 2025. Ở giai đoạn 2025-2030, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng kép ở mức 19%.

Trong đó, lĩnh vực thương mại điện tử chiếm hơn 60% giá trị nền kinh tế số của Việt Nam. Đặc biệt, trong số 23 tỷ USD mà kinh tế số Việt Nam đạt được trong năm 2022, có 14 tỷ USD thu được từ lĩnh vực thương mại điện tử.

Cũng trong báo cáo của ngành thương mại điện tử, trong năm qua, Bộ Công Thương cho biết, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ ở Việt Nam đạt khoảng 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

Ước tính, có khoảng 60 triệu người Việt từng tham gia mua hàng trực tuyến. Giá trị mua sắm bình quân đầu người từ 260-285 USD

Xét về khía cạnh doanh nghiệp, thống kê từ Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm qua, có khoảng 55% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và thương mại điện tử có vai trò từ quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, doanh nghiệp đang tập trung, đầu tư cho tự động hóa, công nghệ đám mây, trí tuệ nhân tạo và kết nối cơ sở hạ tầng…

Theo TTXVN, tại diễn đàn chuyển đổi số: nhanh hơn, thông minh hơn, xanh hơn diễn ra ngày 21/3, các chuyên gia cho rằng, để thương mại điện tử phát triển cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố như phát triển kinh doanh bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng công nghệ vào trải nghiệm của khách hàng.

Tuy nhiên, vấn đề chuyển đổi số nhanh, thông minh và xanh hơn vẫn còn gặp một số vướng mắc về hành lang pháp lý, nguồn nhân lực và hạ tầng số.

Nhà đầu tư nước ngoài đề xuất bỏ quy định lãi tiền gửi USD tối đa 0%

Theo VCCI, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) lần thứ 25, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên bỏ dần kiểm soát hành chính trong việc thiết lập hạn mức tăng trưởng cho toàn hệ thống ngân hàng, thay vào đó là sử dụng công cụ khác như kiểm tra sức chịu đựng để kiểm soát tăng trưởng tín dụng.

Amcham cho rằng, tổ chức tài chính nên được giám sát dựa trên các tỷ lệ đảm bảo an toàn, công cụ này sẽ cho phép Ngân hàng Nhà nước chủ động hơn trong việc quản lý lĩnh vực này, đồng thời có đủ tính linh hoạt cho các ngân hàng có mức tài sản thấp và danh mục đầu tư chất lượng cao.

TTXVN đưa tin, liên quan đến kiểm soát tín dụng và lãi suất, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KoCham) nêu quan điểm, do quy định lãi suất huy động đô la Mỹ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (lãi suất 0%) có hiệu lực từ tháng 12/2015, các công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam liên tục chịu chi phí cơ hội liên quan đến tiền gửi bằng USD.

-2962-1679582199.jpg

Trong khi đó, như các công ty sản xuất của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam thường nhập khẩu nguyên liệu thô từ bên ngoài, sau đó xuất khẩu thành phẩm ra nước ngoài, nên việc giữ một mức ký quỹ nhất định bằng USD là điều cần thiết.

Ông Hong Sun - Chủ tịch KoCham e ngại, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,25-4,50% năm 2022 và các đợt tăng tiếp theo vào năm 2023, lãi suất cao dự kiến sẽ tiếp tục trong một khoảng thời gian đáng kể, chi phí cơ hội của tiền gửi USD đối với các công ty Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang tăng nhanh, trở thành gánh nặng cho hoạt động kinh doanh.

BritCham cũng đồng quan điểm, cho rằng việc không áp dụng tính lãi đối với tài khoản ngoại tệ có thể khiến doanh nghiệp xuất khẩu có xu hướng chuyển tiền ra nước ngoài khi nhận được những khoản ngoại tệ lớn thay vì để trong một tài khoản không có lãi hoặc chuyển đổi khoản tiền đó sang Việt Nam đồng.

Do đó, Kocham và Britcham đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét lại các quy định để đảm bảo môi trường cạnh tranh. Nên bãi bỏ quy định về lãi tiền gửi USD lãi suất tối đa 0% đối với các doanh nghiệp đang gửi USD hoặc đầu tư trực tiếp (FDI) của tiền gửi USD ở một quy mô nhất định hoặc trên một quy mô nhất định, song vẫn tuân thủ nền tảng và mục đích của các quy định liên quan.

T.Hải