WHO: Việt Nam trong giai đoạn “quản lý bền vững” đối với dịch Covid-19
Sống khỏe - Ngày đăng : 06:00, 25/03/2023
Trong khi thế giới đang ở trong tình trạng tốt hơn so với thời kỳ đỉnh điểm lây truyền của biến thể Omicron một năm trước và phần lớn cuộc sống đã trở lại bình thường, nhưng sự thật là đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc. Tại cuộc họp gần đây nhất của Ủy ban Khẩn cấp về Covid-19 của WHO vào cuối tháng 1/2023, Covid-19 vẫn được xem là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Điều này có thể lý giải rằng mặc dù số ca tử vong đang giảm nhưng vẫn có hơn 28.000 ca tử vong được báo cáo trong 4 tuần qua. Con số này còn quá cao để có thể tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Việc ứng phó hiệu quả với Covid-19 vẫn là thách thức với nhiều quốc gia. Các quốc gia này vẫn thiếu các công cụ, phương pháp điều trị và vaccine để bảo vệ một cách đầy đủ các nhóm có nguy cơ cao và dễ bị tổn thương, bao gồm nhân viên y tế, người già và những người có bệnh nền. Tuy nhiên, nhìn chung thế giới tiếp tục đạt được những tiến bộ tích cực trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và trong những tháng tới, WHO sẽ xem xét lại liệu Covid-19 có còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế hay không.
Đối với Việt Nam, ngay từ đầu đại dịch, Chính phủ đã áp dụng các biện pháp xã hội và y tế công cộng mạnh mẽ và hiệu quả để ứng phó với Covid-19. Các biện pháp này bao gồm tăng cường năng lực để phát hiện và ứng phó sớm; nhiều biện pháp giám sát mạnh mẽ; kiểm soát biên giới chặt chẽ và giãn cách xã hội; sự tuân thủ của cộng đồng với các hành vi bảo vệ cá nhân và năng lực của hệ thống y tế.
Tất cả biện pháp này giúp giữ số ca mắc và tử vong ở mức thấp cho đến khi có vaccine. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong thấp nhất khu vực, đặc biệt là giai đoạn đầu của đại dịch. Điều này được thực hiện thông qua sự lãnh đạo quyết liệt và hiệu quả của Chính phủ; những nỗ lực to lớn của cộng đồng và sự đóng góp không mệt mỏi của ngành y tế, đặc biệt là nhân viên y tế.
Việt Nam sau đó đã triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 liều cơ bản vào năm 2021 và 2022. Tốc độ và quy mô của chiến dịch tiêm chủng, bao gồm những nỗ lực nhằm đảm bảo vaccine đến được mọi nơi trên đất nước, là một trong những câu chuyện thành công lớn về ứng phó với Covid-19 của Việt Nam và rộng hơn là khu vực.
Chính phủ Việt Nam, bao gồm Bộ Y tế, nhân viên y tế, doanh nghiệp, cộng đồng và các đối tác đều đáng được ngợi khen vì những nỗ lực này. Điều đó đã mang lại kết quả, vào năm 2022, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyển sang giai đoạn gọi là “quản lý bền vững” đối với Covid-19, cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội với các biện pháp y tế công cộng để bảo vệ những người dễ bị tổn thương cũng như hệ thống y tế.
Tại Việt Nam, trong giai đoạn “quản lý bền vững” của đại dịch, WHO nhận thấy tình hình tiếp tục ổn định, với số ca mắc báo cáo hằng ngày rất thấp; quan trọng là không có trường hợp tử vong trong hơn hai tháng qua. Việt Nam đã và đang ở giai đoạn “quản lý bền vững” đối với dịch Covid-19. Tuy nhiên, phải nhớ rằng đại dịch toàn cầu vẫn chưa kết thúc.
Phải tiếp tục cảnh giác, giám sát chặt chẽ, đảm bảo tất cả mọi người đủ điều kiện, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất được tiêm phòng và tiêm mũi nhắc lại, bằng cách tiếp tục khuyến khích mọi người lưu tâm đến các nguy cơ cá nhân của mình. Hiện có các công cụ, phương pháp điều trị và vaccine để giúp giảm thiểu nguy cơ, bảo vệ sinh mạng và ứng phó với sự gia tăng số ca bệnh trong tương lai khi cần.
Để chuẩn bị tốt cho việc này, điều quan trọng cần làm là tiếp tục củng cố hệ thống y tế để đảm bảo có thể đối phó với sự gia tăng số ca bệnh; duy trì và xây dựng năng lực cho nhân viên y tế; cập nhật thông tin về tiêm chủng cho các nhóm dân cư đủ điều kiện và chuẩn bị cho tiêm chủng đại trà nếu cần; tăng cường giám sát đa nguồn; xét nghiệm và giải trình tự gen, để phát hiện những thay đổi và đột biến gen có thể xảy ra.
Cho đến nay, vaccine vẫn là "vũ khí" hữu hiệu phòng, chống dịch, WHO khuyến cáo mọi người cân nhắc mức độ nguy cơ và tuân thủ hướng dẫn 2K+ của Bộ Y tế. Các biện pháp này bao gồm đeo khẩu trang ở những nơi đông người và không gian kín, rửa tay thường xuyên. Đây là những điều rất quan trọng để ngăn ngừa nhiều loại bệnh, không chỉ riêng Covid-19. Với người lớn và trẻ em đủ điều kiện đều cần được tiêm vaccine và tiêm mũi nhắc lại.
Đối với Việt Nam, nếu duy trì sự chuẩn bị sẵn sàng; rà soát lại kế hoạch chuẩn bị và ứng phó với đại dịch quốc gia, với kinh nghiệm trong ba năm qua, WHO tin rằng Việt Nam sẽ sẵn sàng ứng phó với các đợt bùng phát trong tương lai.