Quản trị nhân sự thời gen Z: Vì yêu mà viết
Sách hay - Ngày đăng : 06:00, 26/03/2023
Từ trước đến nay, trong suy nghĩ của nhiều người thì nhân sự là bộ phận "back office - hỗ trợ", cũng là "hậu phương" vững chắc để DN luôn trong trạng thái sẵn sàng sản xuất và kinh doanh. Chính quan niệm này đã khiến nhân sự bị các đơn vị khác "sai bảo", trở thành điểm "chứa chấp" chính sách mọi nơi gửi đến hoặc là bến đỗ cho nhân sự có chất lượng thấp làm việc...
Nhưng với không ít DN, nhân sự là đơn vị tiêu tiền, không có nhiều giá trị. Vì vậy, bộ phận này ít có tiếng và khả năng tiến lên vị trí quản lý cấp cao. Nhưng nếu tư duy đó vẫn tồn tại thì sẽ không xuất hiện lý thuyết về quản trị nhân sự hiện đại, quản trị nguồn nhân lực, quản lý vốn con người.
Tái tư duy về nghề nhân sự trở nên cấp thiết nếu DN muốn chuyển mình trong giai đoạn kinh tế ngày càng phẳng, cạnh tranh mạnh mẽ và rất nhiều ngành nghề mới xuất hiện. Vậy nên tôi đã nung nấu rất lâu để có thể viết ra cuốn sách này.
Qua tác phẩm Quản trị nhân sự thời gen Z: Câu chuyện cũ kể theo cách mới, sinh viên nhân sự có được những kiến thức chính thống từ các giáo trình quốc tế cộng thêm những kiến thức từ thực tiễn trong quá trình tác giả làm việc và đào tạo. Các bạn cũng sẽ được học hỏi thêm kinh nghiệm từ những nhân vật thực tế trong ngành, từ đó có những hình dung nhất định trước khi làm nghề. Và cuối cùng, các bạn có thể tự tìm ra định hướng nghề nghiệp đúng đắn hoặc biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ, định hướng từ chuyên gia trong ngành.
Với những người trong ngành nhân sự thì có thể củng cố kiến thức đã có, đồng thời tiếp thu kiến thức mới từ góc nhìn và trải nghiệm mới của nhiều nhân vật trong tác phẩm, nắm bắt được insight của lực lượng lao động đang chiếm ưu thế (25% gen Z) để làm việc và quản lý hiệu quả với đối tượng này. Mỗi người sẽ không chỉ ứng dụng được kiến thức cho bản thân, mà còn có thể dùng để đào tạo, training cho nội bộ hoặc ngoài tổ chức.
Những người ngoài ngành thì có thêm những hiểu biết nền tảng về ngành nhân sự, quá trình phát triển và vị trí của ngành nhân sự hiện nay bởi cách viết dễ hiểu, phân tích có chiều sâu. Từ đó sẽ có cái nhìn đúng đắn và cách phối hợp làm việc hiệu quả hơn với bộ phận nhân sự và các bộ phận khác trong tổ chức, cũng như có thể tìm hiểu thêm những cơ hội việc làm, vị trí phù hợp trong ngành.
Mặc dù đã chuẩn bị rất nhiều tư liệu nhưng đến tháng 5/2022, tôi mới chính thức bắt tay viết, đến tháng 9/2022, Quản trị nhân sự thời gen Z: Câu chuyện cũ kể theo cách mới được hoàn thành và gửi tới các nhà xuất bản. Anh Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Alpha Books đã trả lời tôi rằng, "Cuốn sách hay em à” và các thủ tục về bản quyền được tiến hành nhanh chóng để đến tháng 12/2022, tác phẩm sách ra mắt.
Điều tôi nhận thấy 4 giá trị rõ nét khi viết sách:
Thứ nhất là mình có thể làm được mọi việc nếu mình có một mục tiêu đủ lớn và niềm tin đủ lớn về bản thân mình. Nếu bạn tin mình có một câu chuyện, một ý tưởng hay, hãy viết nó ra hoặc thậm chí kể nó ra qua Google để AI sẽ giúp bạn ghi lại và chuyển thành text. Bạn sẽ ngạc nhiên vì câu chuyện của mình khi viết ra lại thú vị đến vậy.
Thứ hai, hãy hành động. Đừng đợi mọi thứ đã chín muồi, đừng đợi phải có đủ thông tin, bởi điều chúng ta đợi sẽ không bao giờ đến nếu chúng ta không bắt đầu. Hãy bắt đầu viết và bắt đầu tìm kiếm, kết nối, tìm phương án. Luôn có đáp án cho mọi bài giải nếu chúng ta hành động.
Thứ ba, kết nối. Ai cũng sẵn lòng kể câu chuyện của mình và giúp mình nếu mình đề nghị và lý do của mình đủ thuyết phục. Tuy nhiên, quan trọng hơn hết là cuốn sách sẽ thú vị hơn nhiều nếu có nhiều góc nhìn, đặc biệt là những người đã trải nghiệm, đã thất bại và sau đó vươn tới những thành công mới .
Thứ tư, mang lại ý nghĩa cho cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng nhân sự. Bởi ngoài việc truyền cảm hứng về tầm quan trọng, xu hướng phát triển của ngành nhân sự. Cuốn sách có rất nhiều tấm gương thành công trong sự nghiệp quản trị nhân sự và điều đó được truyền tải đúng tinh thần bản chất của thành công, không có gì là tự nhiên, là dễ dàng đạt được. Tất cả đều cần tâm huyết, sự nỗ lực và sự đầu tư xứng đáng. Tuy nhiên, cao hơn cả, mỗi người cần một tư duy đúng khi bắt đầu thực hiện bất kỳ điều gì. Tư duy đúng sẽ dẫn đến hành động đúng và cho ra những kết quả đúng.
Càng ngày, mọi người càng nhận ra những giá trị đích thực của việc đọc sách. Rất nhiều câu lạc bộ đọc sách hằng ngày đã ra đời và mọi người đều cảm nhận được sự tuyệt vời khi cầm những cuốn sách giấy trên tay. Không hẳn sách điện tử là không tốt nhưng có lẽ tiếng sột soạt của giấy, mùi của mực in và những hình ảnh đẹp đẽ, bắt mắt của cuốn sách giấy luôn có một sức hút riêng.
Chính vì thế, tôi nghĩ rằng, bất kỳ ai cũng có những câu chuyện rất hay của riêng mình, có những kiến thức, trải nghiệm mà đều có thể đúc kết lại để chia sẻ với mọi người. Và viết sách là một hình thức tốt bởi nó không chỉ giúp cho người viết hệ thống hóa cả một chặng đường học tập, làm việc và phát triển của bản thân.
Những cuốn sách này sẽ rất thực tế và gần gũi bởi là những con người thật, việc thật, tại môi trường Việt Nam, cũng sẽ gây cuốn hút với các độc giả. Họ thấy được một phần cuộc đời của họ ở trong cuốn sách đó, cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Và có thể đâu đó sẽ là động lực để họ viết cuốn sách của riêng mình. Đây cũng là điều mà rất nhiều độc giả đã nói với tôi, họ cũng sẽ bắt đầu suy nghĩ để viết cuốn sách cuộc đời mình. Việc truyền cảm hứng đó rất thú vị.
(*) Chuyên gia quản trị nhân sự chiến lược SHRM - SCP,
Tác giả tác phẩm Quản trị nhân sự thời gen Z: Câu chuyện cũ kể theo cách mới