UBS - Credit Suisse: Cuộc "hôn nhân hối hả" không chắc bền vững
Quốc tế - Ngày đăng : 04:00, 27/03/2023
Sau một ngày cuối tuần mặc cả và nhiều năm tuyệt vọng, vụ sáp nhập định giá Credit Suisse ở mức khoảng 3 tỷ SFr (3,2 tỷ USD), qua đó chính thức khai tử một ngân hàng đã 167 tuổi, trong bối cảnh ngành ngân hàng toàn cầu đang tiến tới giai đoạn mới đầy biến động .
"Đây là một ngày lịch sử tại Thụy Sĩ và thành thật mà nói, chúng tôi hy vọng ngày này không đến. Nhiều sự kiện trong những tuần qua đã khiến các cơ quan quản lý toàn cầu hối thúc UBS xem xét mua lại Credit Suisse để duy trì sự ổn định của nền tài chính toàn cầu" - CEO của UBS Ralph Hamers nói.
Theo The Economist, Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) Thụy Sĩ (SNB) sẽ làm việc với chính phủ nước này và cơ quan quản lý thị trường tài chính FINMA để hoàn tất việc sáp nhập hai ngân hàng lớn nhất nước. Để đạt thỏa thuận và tránh khủng hoảng thị trường, Chính phủ Thụy Sĩ đã đồng ý phân bổ 9 tỷ SFr để bù vào các tổn thất có thể xảy ra khi xử lý các bộ phận không cần thiết của Credit Suisse, cũng như tăng thanh khoản lên 100 tỷ SFr.
Thanh domino trong chuỗi khủng hoảng
Việc Chính phủ Thụy Sĩ can thiệp để thúc đẩy "cuộc hôn nhân" giữa UBS và Credit Suisse là điều dễ hiểu, khi áp lực từ sự sụp đổ của Credit Suisse đối với nền kinh tế thế giới là rất lớn.
Đến cuối năm ngoái, bảng cân đối kế toán của Credit Suisse ở mức 530 tỷ SFr, lớn gấp đôi Lehman Brothers vào thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 khi ngân hàng Mỹ này phá sản.
Credit Suisse còn sở hữu mối quan hệ chặt chẽ khắp thế giới và có văn phòng tại nhiều nước, khiến việc can thiệp và kiểm soát ngân hàng này trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Hơn nữa, "cuộc hôn nhân" này là cần thiết để củng cố niềm tin vào Credit Suisse vốn đã lung lay sau loạt thua lỗ và bê bối, nay càng rung lắc mạnh với một loạt sự kiện diễn ra gần đây tại Mỹ.
Cụ thể, Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) ngày 10/3/2023 đã nắm quyền kiểm soát Ngân hàng Thung lũng Silicon (Silicon Valley Bank - SVB) khi ngân hàng này rơi vào tình trạng rút tiền ồ ạt và vỡ nợ. Đây là vụ phá sản ngân hàng lớn nhất của Hoa Kỳ kể từ vụ phá sản của Washington Mutual năm 2008.
Hai ngày sau, FDIC đóng cửa Ngân hàng Signature sau khi người gửi rút tiền ồ ạt vì lo ngại về sự sụp đổ của SVB. Cả hai ngân hàng đều có tỷ lệ tiền gửi không được bảo hiểm cao bất thường. Đến ngày 15/3, sau khi giá cổ phiếu Credit Suisse giảm 30%, giới chức Thụy Sĩ đã phải tuyên bố sẽ giúp ngân hàng này thoát khủng hoảng - động thái nhanh chóng xoa dịu thị trường, nhưng không thể dập tắt cơn hoảng loạn. Lý do là các nhà đầu tư và khách hàng lo rằng cơ quan quản lý không có kế hoạch đảo ngược tình hình trong dài hạn.
Và như giọt nước tràn ly, một ngày sau, Ngân hàng First Republic ngấp nghé bờ vực sụp đổ khi người gửi rút một lượng lớn tiền. Tại cuộc họp ở Washington, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và CEO JPMorgan Chase & Co. Jamie Dimon đã vạch ra kế hoạch giải cứu mà kết quả là một thỏa thuận bơm hàng chục tỷ USD để ngăn khủng hoảng. Nói như Chủ tịch Credit Suisse Axel Lehmann, thì "bất ổn tài chính ở Mỹ đã khiến ngân hàng Thuỵ Sỹ gặp thêm khó khăn ở một thời điểm không thể tệ hơn".
Nguy cơ khủng hoảng vẫn còn
Cần biết rằng, ngay cả khi Credit Suisse đã được tiếp quản, cơn ác mộng hỗn loạn trên thị trường tài chính toàn cầu vẫn có khả năng xảy ra. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), NHTƯ Châu Âu (ECB) cùng các NHTƯ Canada, Anh, Nhật Bản và Thụy Sĩ vào cuối ngày 19/3 đã ra một tuyên bố chung để trấn an các thị trường.
Trong một phản ứng toàn cầu chưa từng thấy kể từ giai đoạn đỉnh dịch Covid-19, rất nhiều NHTƯ trên đã điều chỉnh hành động để tăng thanh khoản của thị trường. Để cải thiện hiệu quả của giao dịch hoán đổi tiền tệ bằng USD, NHTƯ nhiều nước cho biết các tổ chức tài chính cung cấp USD đã đồng ý tăng tần suất hoán đổi từ hằng tuần (hiện tại) lên hằng ngày.
Việc tăng tần suất hoán đổi USD sẽ cung cấp một nguồn dự phòng thanh khoản quan trọng để cải thiện nguồn cung thanh khoản và giảm căng thẳng trên thị trường ngoại hối toàn cầu. FED cũng đã thông báo việc hoán đổi hằng ngày sẽ bắt đầu sớm nhất vào 20/3 và sẽ tiếp tục cho đến ít nhất là cuối tháng 4/2023.
Trong khi đó, ECB cho biết sẽ cho các ngân hàng khu vực đồng euro vay nếu cần, và họ nói thêm rằng, gói cứu trợ của Thụy Sĩ là một "công cụ" để Credit Suisse khôi phục sự ổn định. Và hơn hết, có thể thấy các nhà hoạch định chính sách tài chính trên khắp thế giới đều mong muốn liên minh mới giữa UBS và Credit Suisse thành công.
Đối với các quan chức Thụy Sĩ, một cuộc "hôn nhân lành mạnh" là điều họ quan tâm nhất, khi tổng tài sản của UBS và Credit Suisse hiện đạt khoảng gấp đôi GDP của Thụy Sĩ. Theo đó, các cơ quan quản lý sẽ nhấn mạnh vào tỷ lệ vốn cao hơn do tầm quan trọng của siêu ngân hàng mới với nền kinh tế thế giới sẽ ăn vào lợi nhuận. Và, viễn cảnh rắc rối tiếp theo còn đáng ngại hơn. Xét cho cùng, giải pháp của lần này - sáp nhập, sẽ không còn nữa. Tổ chức mới đơn giản là quá lớn với một thỏa thuận như vậy.