Đồng Tháp: Phát triển kinh tế xanh

Trong nước - Ngày đăng : 06:14, 27/03/2023

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Đồng Tháp lựa chọn phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng kinh tế xanh là chủ đạo.
Đồng Tháp: Phát triển kinh tế xanh

Tại hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức ở Bến Tre mới đây, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, ĐBSCL vẫn đang phải đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt là thách thức về biến đổi khí hậu. Đó cũng là lý do trong chiến lược phát triển, tỉnh Đồng Tháp đã lựa chọn phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế theo phương châm xanh, bền vững.

Trong định hướng mục tiêu phát triển, tỉnh Đồng Tháp xác định phải đổi mới tư duy phát triển nông nghiệp từ sản xuất thuần túy sang sản xuất - chế biến - xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu mới của thị trường, dựa trên cơ sở chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Trong đó, công nghiệp chế biến nông sản, vật liệu xây dựng, phát triển năng lượng tái tạo, chuyển đổi số là các lĩnh vực đột phá; hình thành, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bổ trợ (doanh nghiệp, khởi nghiệp, nông dân...) để trở thành một điểm đến của chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp bền vững.

Đến năm 2050, Đồng Tháp là trung tâm giao lưu kinh tế giữa ĐBSCL với các nước tiểu vùng sông Mê Kông, trung tâm du lịch sinh thái của ĐBSCL và cả nước, trung tâm đầu mối nông nghiệp bền vững về thủy sản nước ngọt, hoa kiểng, trái cây, lúa gạo, ứng dụng công nghệ cao; dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế.

Là vựa lúa lớn của cả nước, có vai trò quan trọng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia, tỉnh Đồng Tháp đang tiên phong trong việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo chủ trương của Chính phủ, trong đó lựa chọn 5 ngành hàng chủ lực có thế mạnh (lúa gạo, xoài, sen, cá tra, hoa kiểng) để đầu tư phát triển chuỗi giá trị theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững. Các chương trình đầu tư vào các lĩnh vực này tại Đồng Tháp được hưởng những chính sách khuyến khích, ưu đãi thích hợp.

Trong năm 2022, tỉnh Đồng Tháp đã cam kết cùng các tỉnh ĐBSCL làm giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, biến Đồng Tháp trở thành trung tâm giải pháp giảm phát thải của khu vực. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho biết, trước mắt tỉnh sẽ khởi động ít nhất một mô hình giảm phát thải, phát thải thấp trong các lĩnh vực nông nghiệp chủ lực để đánh giá việc thí điểm trong năm 2024 làm căn cứ nhân rộng mô hình. 

Đồng Tháp xem chuyển đổi số không chỉ là chìa khóa để giải quyết các hạn chế, điểm nghẽn về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông, tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các dịch vụ, đào tạo, tạo sự bứt phá cho các chương trình hành động, mà còn để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. 

Tỉnh Đồng Tháp đã nỗ lực trong việc xây dựng chính quyền phục vụ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân làm thước đo hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền. Trong 14 năm trở lại đây, tỉnh Đồng Tháp luôn đứng trong top 5 tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của chính quyền, rất cần có sự chung tay góp sức của cộng đồng, nhất là các giải pháp về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, đầu tư của doanh nghiệp, qua đó Đồng Tháp mới có thể hiện thực hóa được chiến lược kinh tế xanh, phát triển bền vững.

-5487-1679886973.jpg

Nhà máy xay xát gạo tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp

Hưởng ứng chủ trương của Đồng Tháp cũng như sức hấp dẫn từ môi trường kinh doanh của tỉnh, một số doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, quỹ đầu tư trong và ngoài nước đã đến Đồng Tháp để tìm hiểu cơ hội đầu tư trong lĩnh vực chế biến trái cây, phụ phẩm nông nghiệp, trung tâm phân phối nông sản hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ... Một số doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Sao Vàng Đất Việt đã bày tỏ với tỉnh Đồng Tháp tìm hiểu cơ hội, tham gia xây dựng khu đô thị du lịch, khu dân cư cao cấp kết hợp sinh thái, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng khu công nghiệp, logistics, xử lý rác thải...

Cuối năm 2022, một nhà máy xay xát gạo tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, vốn đầu tư nước ngoài từ Úc, đã được tỉnh Đồng Tháp cho khởi công thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) nhằm nâng cao giá trị chuỗi lúa gạo. Theo Thượng nghị sĩ Tim Ayres - Bộ trưởng Bộ Thương mại và Sản xuất của Úc, nhà máy sẽ góp phần khuyến khích sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất bền vững. Đại diện Tập đoàn SunRice (Úc) - chủ sở hữu và vận hành nhà máy cho biết, lãnh đạo nhà máy sẽ xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo tại tỉnh Đồng Tháp cũng như ĐBSCL theo hướng chất lượng cao, năng suất cao, truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường cả trong và ngoài nước theo chủ trương lấy kinh tế xanh làm chủ đạo mà Đồng Tháp đã lựa chọn. 

Ngọc Lan