Khai thác hiệu quả hơn dư địa dịch vụ

Trong nước - Ngày đăng : 08:00, 28/03/2023

Khu vực dịch vụ đóng góp quan trọng trong GDP, tuy nhiên lĩnh vực này còn những vấn đề lớn cần có các giải pháp mang tính đột phá, khả thi để phát triển.

Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng từ 7-8%, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, đến năm 2030 tỷ trọng của khu vực dịch vụ chiếm khoảng 50% GDP.

Theo ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đảng, phát triển dịch vụ là một động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Khu vực dịch vụ những năm gần đây đã phát triển đa dạng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống, hiện nay chiếm khoảng 40% GDP.

Tuy nhiên, phát triển dịch vụ đang có nhiều vấn đề lớn đặt ra, như Việt Nam luôn nhập siêu trong các cán cân thương mại - dịch vụ, nhất là với dịch vụ có hàm lượng công nghệ và trí thức cao. Một số dịch vụ quan trọng như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (chiếm 5,37%), khoa học và công nghệ (1,29%), giáo dục và đào tạo (4,03%), thông tin truyền thông (0,68%) chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng thể lĩnh vực dịch vụ.

Hệ thống hạ tầng thương mại cũng chưa theo kịp so với nhu cầu phát triển, chi phí logistics còn cao... Tình trạng đó đặt ra yêu cầu phải có những giải pháp mới mang tính đột phá, có tính thực thi cao để thúc đẩy phát triển lĩnh vực dịch vụ.

-1349-1679884649.jpg

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), kim ngạch xuất khẩu các dịch vụ giàu hàm lượng tri thức và kỹ năng cao (được gọi là dịch vụ đổi mới sáng tạo) của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ. Các lĩnh vực dịch vụ có tính đổi mới sáng tạo bao gồm công nghệ thông tin - truyền thông, tài chính, nghề chuyên môn (những lĩnh vực dịch vụ có năng suất cao nhất trong nền kinh tế) cũng mới chỉ đóng góp 6,4% việc làm trong khu vực dịch vụ.

Nguyên nhân, theo WB là do quy mô của doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ, những rào cản về thương mại - dịch vụ vẫn còn tồn tại, tỷ lệ áp dụng công nghệ cao với khu vực dịch vụ còn thấp, thiếu kết nối với các ngành, lĩnh vực khác.

Để nâng cao hiệu quả của khu vực dịch vụ, theo ông Trần Tuấn Anh, cần chú trọng phát triển dịch vụ công nghệ cao, hình thành các ngành dịch vụ mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ số, nền tảng số, cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành. Chú trọng phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như hàng hải, kỹ thuật dầu khí, hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin. Hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, logistics... Tăng cường hệ thống bán buôn, bán lẻ đi đôi với phát triển nhanh thương mại điện tử, gắn kết với mạng lưới phân phối toàn cầu...

Các chuyên gia của WB thì cho rằng, để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng khu vực dịch vụ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần tiếp tục xóa bỏ các rào cản về thương mại và đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp, khuyến khích áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo về sản phẩm, tăng cường năng lực và kỹ năng làm việc cho cả người lao động và cán bộ quản lý; tập trung vào những dịch vụ có khả năng thúc đẩy tăng trưởng GDP hơn nữa như chế tạo, chế biến, tăng cường thu hút FDI có tri thức đổi mới sáng tạo để không chỉ làm gia công cho nước ngoài mà phải chuyển giao công nghệ, từ đó mới có điều kiện đột phá để thúc đẩy tăng năng suất, đổi mới sáng tạo... 

Lan Ngọc