Chứng khoán trước những lo ngại khủng hoảng tài chính toàn cầu
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 07:00, 28/03/2023
Lo ngại khủng hoảng tài chính toàn cầu
Phiên giao dịch ngày 20/3, chỉ số VN-Index giảm 22 điểm, tương đương hơn 2,1%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong vòng một tháng qua. So với mức cao gần nhất ở 1.062 điểm đạt được hôm 15/3, thời điểm NHNN quyết định giảm lãi suất điều hành, VN-Index đã giảm 40 điểm, tương đương gần 3,7%.
Trước những lo ngại về khủng hoảng tài chính toàn cầu, từ sự sụp đổ đột ngột của Silicon Valley Bank (SVB) ở Mỹ, dẫn đến rủi ro lây lan đến các ngân hàng địa phương tại Mỹ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cùng với một số ngân hàng lớn phải ra tay hỗ trợ. Và mới đây nhất là khủng hoảng tại Ngân hàng Credit Suisse, khiến các thị trường tài chính toàn cầu chìm trong nỗi lo ngại.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones của Mỹ đã rớt đến 3,6% trong vòng nửa tháng qua, từ ngày 6/3, thời điểm thị trường bắt đầu đồn đoán về những thông tin tiêu cực liên quan đến SVB. Đến ngày 8/3, giá cổ phiếu SVB đã rớt đến 60%, mở đầu cho chuỗi khủng hoảng tại ngân hàng này và buộc phải tuyên bố phá sản chỉ ít ngày sau đó.
Khối ngoại bất ngờ mua ròng trở lại bất chấp lo ngại khủng hoảng tài chính |
Dù những biến động hỗn loạn trên thị trường tài chính Mỹ khiến giới phân tích kinh tế tin rằng FED buộc phải tạm ngừng lộ trình tăng lãi suất mạnh tay, đơn cử như Goldman Sachs cho rằng FED sẽ không nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 3, vì cơ quan này cần đưa ra một lập trường ngắn hạn thận trọng hơn để tránh làm gia tăng nỗi lo ngại trên thị trường về sức ép đối với hệ thống ngân hàng, nhưng điều đó cũng không đủ giúp nhà đầu tư hào hứng hơn khi nỗi lo ngại đang lấn át và tràn ngập.
Ngược lại, hầu hết ý kiến đều cho rằng FED vẫn tiếp tục tăng lãi suất, tuy nhiên mức tăng sẽ chỉ còn 0,25% thay vì 0,5% như trước đó. Nhìn vào quyết định của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất thêm 0,5% trong cuộc họp vừa qua, đưa lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2008, bất chấp những rối ren từ sự vụ Credit Suisse kéo theo lo ngại ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng khu vực châu Âu, giới phân tích có lý do để tin rằng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Hồi tuần trước, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết ông khá lo ngại về các dữ liệu lạm phát nóng gần đây.
Những gì đang diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy, ảnh hưởng tích cực từ chính sách giảm lãi suất điều hành của NHNN hôm 15/3 dường như đang bị xóa nhòa bởi những lo ngại về cú sụp đổ của những ngân hàng hàng trăm năm tuổi, mà có thể lây lan ra các khu vực khác, ngay cả những ngân hàng địa phương tại châu Á.
Hiệu ứng giảm lãi suất cần thời gian?
Giới phân tích tài chính đánh giá, thị trường chứng khoán toàn cầu có thể sẽ tiếp tục biến động trong những tuần tới, do hậu quả của sự sụp đổ của SVB và việc Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ hỗ trợ Credit Suisse, nhưng sẽ không ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế Việt Nam.
Thực tế cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài trong những phiên giao dịch chứng khoán vừa qua dường như không lo ngại mấy về rủi ro khủng hoảng tài chính. Cụ thể, tính từ ngày 7-21/3, khối ngoại đã liên tục mua ròng trở lại trên thị trường chứng khoán Việt Nam với tổng giá trị gần 3.000 tỷ đồng chỉ tính riêng trên sàn HoSE, đảo chiều động thái bán ròng liên tục trước đó bắt đầu từ giữa tháng 2.
Như chuyên gia kinh tế trưởng VinaCapital - ông Michael Kokalari cho rằng, những sự việc đã tác động đến SVB và một số ngân hàng khu vực khác của Mỹ sẽ không tạo ra rủi ro đáng kể đến khả năng sinh lời hoặc khả năng thanh toán của các nhà băng tại Việt Nam. Dù các ngân hàng Việt Nam cũng nắm giữ trái phiếu chính phủ, nhưng tỷ lệ chỉ chiếm khoảng 6% tổng tài sản của các ngân hàng niêm yết và trái phiếu giữ đến ngày đáo hạn (HTM) chiếm chưa đến 2% tổng tài sản, thấp hơn nhiều so với mức 5-10% của các ngân hàng Mỹ và thấp hơn nhiều so với mức gần 45% tài sản của SVB nằm ở trái phiếu giữ đến ngày đáo hạn trên bảng cân đối kế toán.
Chẳng những vậy, một trong những lý do quan trọng nhất mà vị chuyên gia VinaCapital cho rằng, SVB và Credit Suisse sụp đổ cuối cùng sẽ có lợi cho Việt Nam là vì cả hai đều có khả năng dẫn đến việc VND tăng giá so với USD, tạo điều kiện cho NHNN tái tích lũy một lượng đáng kể dự trữ ngoại hối trong năm nay. Đồng thời, bơm thanh khoản bằng VND vào nền kinh tế, dẫn đến việc tăng cơ sở tiền tệ của quốc gia.
Thực tế cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài trong những phiên giao dịch chứng khoán vừa qua dường như không lo ngại mấy về rủi ro khủng hoảng tài chính. Cụ thể, tính từ ngày 7-21/3, khối ngoại đã liên tục mua ròng trở lại trên thị trường chứng khoán Việt Nam với tổng giá trị gần 3.000 tỷ đồng chỉ tính riêng trên sàn HoSE, đảo chiều động thái bán ròng liên tục trước đó bắt đầu từ giữa tháng 2.
Trong khi đó, nếu NHNN thời gian tới tiếp tục mua ngoại tệ và bơm tiền đồng như nhận định của giới chuyên gia, giúp tăng cung tiền, từ đó hỗ trợ cho xu hướng lãi suất tiếp tục đi xuống, điều này sẽ khiến các tài sản rủi ro thu hút trở lại và làm cho thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Trong tuần từ ngày 13-17/3, dù chỉ số chung trên thị trường chứng khoán giảm điểm nhưng thanh khoản lại được cải thiện đáng kể, với khối lượng và giá trị giao dịch đồng loạt tăng. Ở sàn HoSE, khối lượng giao dịch tăng 17,6%, lên 593,4 triệu đơn vị/phiên, giá trị giao dịch tăng gần 21% lên hơn 10.400 tỷ đồng/phiên. Đối với sàn HNX, khối lượng giao dịch tăng 16,5%, lên 63,5 triệu đơn vị/phiên, giá trị giao dịch tăng gần 14%, lên 938 tỷ đồng/phiên.
Dù điểm số đi xuống do lo ngại về thị trường thế giới, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn tin rằng dòng tiền hồi phục mạnh đến từ tác động của việc NHNN hạ lãi suất điều hành. Một diễn biến rõ nét là dòng tiền mạnh ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, với kỳ vọng thị trường hồi phục sẽ giúp kết quả kinh doanh của nhóm này tích cực, dòng tiền chắc hẳn đã rào trước đón đầu. Dù vậy, có lẽ vẫn cần thêm thời gian để hiệu ứng giảm lãi suất bắt đầu lan rộng và phản ánh rõ nét hơn đến xu hướng thu hút dòng tiền tham gia trở lại.