Ngân hàng Nhà nước sắp có thêm đợt giảm lãi suất và giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 06:00, 31/03/2023
Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, lãi suất là chính sách khó nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, hài hòa nhà đầu tư, doanh nghiệp, phù hợp với nhiều lĩnh vực… Cũng theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, mặc dù hiện nay nhiều nước trên thế giới vẫn tăng lãi suất nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Thông điệp của Ngân hàng Nhà nước là giảm lãi suất, sắp tới sẽ vận động các ngân hàng giảm lãi suất tiếp một lần nữa. Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, việc giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp là việc cần thiết, sắp tới sẽ triển khai. Tuy nhiên, việc giãn, hoãn nợ phải phụ thuộc vào ngành nghề, tránh trường hợp xảy ra nợ xấu, hay dẫn đến thiếu sự ổn định an toàn về tín dụng.
Trước mắt, trong khoảng 1-2 tuần tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất dành cho lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp và cải tạo chung cư cũ. Gói tín dụng này sẽ được triển khai sớm để hỗ trợ doanh nghiệp và người mua nhà, an cư lạc nghiệp.
Được biết, theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho thấy, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm, dẫn đến tăng trưởng thấp kỷ lục. Ngành dệt may tăng trưởng giảm, ngành thủy sản xuất khẩu giảm 30%; ngành gỗ giảm 40%, bất động sản “đóng băng”... kéo theo hệ lụy các lĩnh vực sắt thép, xi măng cũng đóng băng tới 90%, hoạt động kinh doanh dường như khựng lại…
Các doanh nghiệp đã cố gắng duy trì hoạt động trong bối cảnh cầu giảm, nên không có nhu cầu vay để sản xuất kinh doanh mà có nhu cầu vay để cầm cự. “Các ngân hàng cần có chính sách giãn nợ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần dòng vốn cho đầu tư dài hạn, nhưng với lãi suất trên 10% thì không có doanh nghiệp nào dám vay chứ không phải ngân hàng không cho vay”, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA kiến nghị.
Do đó, cần có chính sách sâu hơn cho dòng vốn dài hạn, cần có giải pháp kéo lãi suất xuống dưới 10% thì doanh nghiệp mới dám vay. Bên cạnh đó, ngân hàng phải tính lại thế chấp tài sản, định giá tài sản và có sự chia sẻ, kéo giảm lãi suất, phải “mềm hóa” việc thế chấp. Hiện doanh nghiệp có đất đai nhưng thủ tục pháp lý kéo dài nên cũng khó thế chấp.