TP.HCM muốn thí điểm nhiều cơ chế chính sách đột phá vượt trội
Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 31/03/2023
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã thông tin các nội dung liên quan đến quá trình chuẩn bị dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Theo đó, Nghị quyết 54 được Quốc hội tổng kết vào cuối năm 2022 và cho phép kéo dài thực hiện đến ngày 31/12/2023. Trong thời gian đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ KH-ĐT phối hợp với TP.HCM và các bộ, ngành xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. TP.HCM đã khẩn trương phối hợp với Bộ KH-ĐT và các bộ ngành tham mưu Chính phủ trình nghị quyết thay Nghị quyết 54.
Theo ông Mãi, Nghị quyết 54 tập trung nhiều vào khai thác nguồn thu cho TP.HCM. Còn điểm khác khi xây dựng dự thảo nghị quyết mới thay thế, TP.HCM không đặt nặng vấn đề nguồn thu mà đề nghị thí điểm những cơ chế đột phá vượt trội để huy động nguồn lực phát triển thành phố. Đó là những việc mà luật chưa quy định hoặc luật có quy định nhưng còn chồng chéo, chưa giải quyết được các vấn đề thực tiễn phát triển thành phố để khai phóng, huy động các nguồn lực để phát triển TP.HCM.
Đồng thời, huy động các nguồn lực cho thành phố để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM đặt ra. Đó là TP.HCM phải là cực tăng trưởng, là đầu tàu, trung tâm về mọi mặt và TP.HCM không chỉ là địa phương của Việt Nam mà còn là địa phương có năng lực hội nhập cạnh tranh quốc tế với các thành phố trong khu vực và cả nước. Từ thực tiễn phát triển, TP.HCM đề xuất những cơ chế chính sách đáp ứng được tiêu chí đột phá vượt trội nhưng cũng có những chính sách được các cơ quan Trung ương, các bộ, ngành, chuyên gia đề xuất để phát triển TP.HCM.
Ông Mãi khẳng định, trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết mới, TP.HCM xác định xây dựng nghị quyết với những cơ chế chính sách đột phá vượt trội không chỉ cho TP.HCM mà còn cho cả nước, vì TP.HCM phát triển sẽ đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước.
Theo ông Mãi, trong dự thảo nghị quyết này, TP.HCM xác định tập trung làm sao có những cơ chế chính sách phân cấp phân quyền mạnh mẽ để tạo sự chủ động cho thành phố. Một mặt để TP.HCM giải quyết các vấn đề nhanh hơn, mặt khác cũng để rút kinh nghiệm, sau này các cơ quan Trung ương có thể phân cấp phân quyền mạnh hơn cho các địa phương. Qua đó, giải phóng được năng lượng, nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để quyết các vấn đề nhanh hơn.
Cũng theo ông Mãi, dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 dự kiến có 4 nhóm nội dung với khoảng 40 cơ chế chính sách mang tính đột phá vượt trội. Trong đó, có nhóm cơ chế chính sách đã có trong Nghị quyết 54; nhóm các cơ chế chính sách đặc thù đã có với các địa phương khác; nhóm những nội dung dự kiến đưa vào sửa đổi các luật; nhóm các cơ chế chính sách mới do TP.HCM chủ động đề xuất và các cơ quan Trung ương gợi ý.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại toạ đàm |
Vì thế, ông Mãi mong muốn các đại biểu đóng góp ý kiến cho dự thảo nghị quyết cũng như góp ý cho thành phố về việc triển khai nghị quyết sau khi được Quốc hội thông qua. Sau tọa đàm, TP.HCM khẩn trương tiếp thu ý kiến và phối hợp cùng Bộ KH-ĐT, các cơ quan trung ương hoàn thiện sự chuẩn bị để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với mong muốn các đại biểu đóng góp ý kiến cho dự thảo nghị quyết cũng như góp ý cho thành phố về việc triển khai nghị quyết sau khi được Quốc hội thông qua, tại hội thảo đã có nhiều ý kiến đóng góp từ các Đại biểu Quốc hội như: GS-TS. Trần Hoàng Ngân - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu TP.HCM; đại biểu Trần Hoàng Ngân; TS. Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương…
Theo TS. Võ Trí Thành, dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 có thuận lợi là được rút kinh nghiệm từ Nghị quyết 54 cũng như tiếp thu một số cơ chế đặc thù ở các tỉnh. Cũng theo TS. Võ Trí Thành cho rằng, dự thảo nghị quyết cần nhấn mạnh rõ vai trò của TP.HCM trong sự phát triển của cả nước cũng như trong tương lai. Cần phải nhìn nhận thực tế hiện nay tốc độ tăng năng suất lao động của TP.HCM đang có xu hướng giảm. Theo ông, có nguyên nhân là do nhiều cơ chế, chính sách hiện nay không đủ sức giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra cho TP.HCM. Do đó, nghị quyết mới cần giải quyết được những vấn đề này.