Xây dựng nhà vệ sinh công cộng trên tuyến phố- Bài 1: Nỗ lực nhưng vẫn vướng Luật?
Trong nước - Ngày đăng : 08:06, 02/04/2023
Nhà vệ sinh công cộng của Sacobank |
DNSG đã có cuộc trò chuyện với ông Đào Xuân Sơn - Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký trung ương Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam để cùng tìm hiểu vì sao NVS công cộng tại TP.HCM thiếu và khó làm.
*Đầu tháng 2, dẫn chỉ số từ bảng xếp hạng của QS Supplies, báo Nikkei Asia cho biết chất lượng NVS công cộng tại TP.HCM xếp vị trí 67/69 thành phố du lịch trên thế giới. Có phải vậy mà việc xây dựng NVS công cộng trên các tuyến phố tại TP.HCM đang được lãnh đạo Thành phố chỉ đạo thực hiện quyết liệt?
-Khi xã hội phát triển, đô thị hoá ngày càng nhiều thì vấn đề xây dựng NVS công cộng được xem là cấp bách. Không phải đến bây giờ mà nhiều năm qua, lãnh đạo TP.HCM đã thấy vấn đề cấp bách của NVS. Năm 2017, Ban vận động thành lập Hiệp hội Nhà vệ sinh đã cử đơn vị thành viên là Công ty môi trường ở Bình Dương làm việc với UBND TP.HCM để xin tài trợ một số NVS. Chúng tôi được lãnh đạo UBND TP.HCM lúc bấy giờ rất ủng hộ và giới thiệu về UBND Quận1.
Khi đó, lãnh đạo Quận1 đã cùng chúng tôi đi khảo sát hơn 30 vị trí để đặt NVS công cộng. Chúng tôi định mở một NVS ở khu vực Nhà thờ Đức Bà để giải quyết nhu cầu “cấp bách” của người dân Thành phố và người nước ngoài khi đến khu vực trung tâm Thành phố tham quan.
Sau đó, Sở Tài nguyên môi trường thành phố được giao nhiệm vụ cải tạo NVS trên địa bàn Thành phố đã làm việc với chúng tôi trong 2 năm. Nhưng cuối cùng mọi việc chỉ dừng lại ở việc lắp đặt được một vài cabin thí điểm, do vướng về cơ chế, chính xác là vướng luật. Dù chưa thành công nhưng đây cũng là tiền để sau này chúng tôi tiếp tục xây dựng các kế hoạch phát triển NVS công cộng khác.
*Mấu chốt chưa thành công vì đâu, thưa ông?
- Để có kinh phí xây dựng NVS thì phải xã hội hóa và khi kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào NVS thì họ sẽ phải lắp đặt các công trình NVS ở trên vỉa hè. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì vỉa hè không được làm nơi kinh doanh, không được xây dựng các công trình, kể cả NVS, trong khi đó, NVS công cộng phục vụ cho du khách thì phải nằm ở trên các tuyến phố chứ không thể đặt dưới lòng đường.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn phải bảo dưỡng, duy tu, cải tạo, vận hành và nhiều chi phí khác như điện, nước, giấy vệ sinh, xà phòng, nhân công dọn dẹp, hút hầm cầu...Vì vậy, để có chi phí cho các dịch vụ này, họ phải lấy quảng cáo trên đèn led hay cabin để bù vào. Thế nhưng, cũng lại vướng luật.
Cụ thể, vỉa hè không được kinh doanh vì là đất công. Theo quy hoạch, khu vực này không được xây dựng các công trình công cộng. Nhà nước không thể cho thuê vỉa hè để kinh doanh, kể cả cho thuê làm công trình có ích. Còn ở những vị trí được cho thuê thì lại không phù hợp với việc xây dựng NVS công cộng. Một số vị trí khác khả thi thì sau khi đối chiếu quy hoạch thì lại...vướng vì không có quy hoạch cho NVS công cộng mà chỉ có quy hoạch xây dựng công trình khác. Vì thế, câu chuyện con gà và quả trứng cứ vướng mãi. Đó cũng là lý do mô hình NVS của Sacombank mới chỉ làm được 10 cái và không thể triển khai tiếp vì vướng quy hoạch.
*Vấn đề xã hội hóa còn liên quan đến tài trợ cho NVS và luật cũng đang vướng?
-Đúng vậy. Mỗi nhà tài trợ sẽ có một vướng khác nhau. Ví dụ, một số doanh nghiệp muốn tài cải tạo NVS cho trường học, họ đưa ra tiêu chuẩn điều kiện của họ, đó là phải được pháp quảng cáo về sản phẩm mà họ đã lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, cái vướng hiện nay là không được quảng cáo trong trường học. Mặc dù đồng ý cho họ có bảng ghi tên công ty tài trợ NVS nhưng nếu chỉ ghi tên công ty thì không đảm bảo được nhu cầu của họ, vì nhu cầu của đơn vị tài trợ bao giờ cũng là quảng cáo cho sản phẩm cụ thể.
Với các bệnh viện cũng tương tự, đa phần là các công ty dược muốn quảng cáo khi xây dựng NVS cho bệnh viện, tuy nhiên, quảng cáo trong bệnh viện thì luật không cho phép.
Còn tài trợ để quảng cáo trên các tuyến phố thì lại liên quan đến luật kinh doanh thương mại. Kinh doanh thì phải thuê đất, phải đấu thầu. Vì thế, có nhiều đơn vị muốn tài trợ cho các NVS nhưng do vướng quá nhiều quy định nên chỉ tài trợ nhỏ giọt, không thể tài trợ nhiều.
*Thời gian qua, nhiều cabin vệ sinh nhựa chưa đạt thẩm mỹ và vệ sinh. Cũng đã có mô hình NVS trong kiot hay cửa hàng cà phê nhưng dường như vẫn chưa hiệu quả?
-Để đầu tư NVS công cộng đạt chuẩn thì Nhà nước hiện còn nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết. Mô hình NVS cabin nhựa hiện đã xuống cấp, giờ phải kêu gọi xã hội hoá để đầu tư. Khi làm điều này, có hai mô hình xã hội hoá. Một là DN sẽ tài trợ hoàn toàn NVS, sau đó giao cho một đơn vị nào đó của nhà nước để quản lý, vận hành.
Nhà vệ sinh công cộng tại TP.HCM vẫn còn ít |
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, mô hình NVS cabin nhựa vận hành chưa xong thì làm sao mô hình các cabin nhà vệ sinh khác vận hành được?. Mô hình thứ hai là sẽ xây dựng các NVS bên cạnh kiot cà phê, sau đó là máy bán nước tự động. Với mô hình này, cho phép các nhà đầu tư khai thác bán quảng cáo. Nếu đồng ý với dự án này thì có tính thẩm mỹ và vệ sinh. Nhưng vẫn còn nhiều bất cập và chưa đạt hiệu quả.
*Sau kế hoạch xây dựng NVS tại Quận1 không khả thi, Hiệp hội đã có kế hoạch và giải pháp gì không, thưa ông?
Sau khi vướng ở Quận 1 và chưa có giải pháp thực hiện, chúng tôi đã làm việc với UBND Quận 3, cũng nhận được sự ủng hộ và đã chọn được 13 vị trí, cũng đã có một doanh nghiệp là Công ty Viva Coffee tài trợ. Tương tự, với UBND Quận Gò Vấp cũng được đồng thuận và chọn vị trí xây NVS tại chợ Hạnh Thông Tây. Thế nhưng, kế hoạch cũng bị dừng lại. Có nghĩa là, sự quan tâm, nỗ lực của lãnh đạo Thành phố, các quận huyện đã có nhưng khi làm thì vướng luật và nhiều quy định chồng chéo. Đây cũng là vấn đề trăn trở của không chỉ riêng tôi, của Hiệp hội mà của rất nhiều lãnh đạo Thành phố, quận huyện tại TP.HCM-những người luôn có tâm huyết mong muốn cải tạo cái chất lượng NVS ở Thành phố và trên toàn quốc.
Một thông tin vui là tháng 3/2023, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã có chỉ đạo Thành phố phải tháo gỡ khó khăn, triển khai khởi động lại việc xây dựng NVS công cộng và đã giao cho Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam phối hợp thực hiện.
*Theo ông, trước mắt cần tháo gỡ khó khăn để giải quyết những vướng mắc này?
- Các DN khi đầu tư NVS công cộng sẽ đặt ra câu hỏi, tại sao lại đầu tư vào lĩnh vực này, có thu được lợi nhuận không, trong khi nếu đầu tư lĩnh vực khác thì thu lợi nhuận nhanh hơn. Vì vậy, giải pháp khả thi nhất là có cơ chế cho các nhà tài trợ, giúp họ quảng cáo được sản phẩm, không chỉ bên ngoài mà bên trong NVS. Bởi đa phần các DN tham gia tài trợ NVS là những DN có sản phẩm trực tiếp liên quan đến NVS như: Thiết bị NVS, nước tẩy bồn cầu, giấy vệ sinh, nước tẩy rửa…Nếu họ tham gia đầu tư thì sẽ được quyền quảng cáo trong và ngoài NVS để cho người tiêu dùng nhớ được thương hiệu.
Ở các nước, mô hình này khá thịnh hành. Người ta cho rằng, quá trình vào NVS là để thư giãn, thời điểm đó, vị trí quảng cáo đập thẳng vào mắt họ, khiến họ ăn sâu vào não bộ. Việc này người ta đã nghiên cứu và đã thành công. Ở Đức, một DN được coi là “vua toilet” một năm thu được khoảng 780 tỷ tiền Việt Nam lợi nhuận từ việc này. Rồi họ thu lợi nhuận từ việc được quảng cáo, chiết khấu, giảm giá từ những đơn vị sản xuất thiết bị vệ sinh…
*Việc tuyên truyền giữ gìn vệ sinh cho các NVS công cộng cũng là một trong những điều không dễ thực hiện?
-Khi mới thành lập Hiệp hội NVS Việt Nam, giai đoạn đầu chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền ý thức giữ gìn vệ sinh và sử dụng NVS trên các phương tiện công cộng. Năm trước, chúng tôi tuyên truyền vào ngày 19/11, tổ chức hoạt động chạy việt dã với sự tham gia của hàng ngàn người ở Bình Dương. Chúng tôi từng tổ chức được 4 cuộc thi như vậy (2 lần ở Đà Nẵng, 2 lần ở Bình Dương). Tuy nhiên, tất cả mới chỉ ở giai đoạn đầu.
Ví dụ, một toilet 2 ngày sử dụng hết một cuộn giấy vệ sinh, nhưng có người vào sử dụng luôn hết một cuộn, rồi có người vứt giấy vào bồn cầu…Vì vậy, phải tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân khi sử dụng NVS công cộng.
Song, các hoạt động mới chỉ đi theo chiều rộng chứ chưa phải chiều sâu. Để thay đổi theo chiều sâu, cần thay đổi nhận thức của cả thế hệ. Như ở Singapore, Mỹ phải mất 20 năm mới thay đổi được tư duy về môi trường. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Hội đồng đội trung ương và Ban thiếu nhi trường học của Trung ương Đoàn để hợp tác tuyên truyền đến giới trẻ. Song song đó, chúng tôi cũng tài trợ NVS cho các trường học.
*Một câu hỏi vui.Khi Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam ra đời, rất nhiều người cảm thấy… buồn cười vì tên gọi này, ông cảm thấy thế nào?
-Một điều thú vị là, sau khi thành lập Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, tôi “vinh dự” có thêm cái tên phụ là Sơn Toilet. Anh Lê Văn Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội cũng có thêm tên mới là Hiệp Toilet. Khi gặp chúng tôi, nhiều người hỏi “Anh sản xuất bồn cầu à?”. Tôi trả lời vui rằng: “Không, tôi đi giải quyết nơi có chỗ bồn cầu đó”.
Thực ra ra, tâm huyết của chúng tôi khi thành lập Hiệp hội, đó là làm thế nào để NVS công cộng của Thành phố và cả nước phải miễn phí, sạch và thơm. Bởi một bác xe ôm, một người buôn gánh bán bưng, nếu một ngày đi tiểu ít nhất 5 lần, nếu mỗi lần đi đều phải trả tiền, ảnh hưởng đến thu nhập của họ.
Riêng các nhà vệ sinh công cộng trong trường học, bệnh viện…chúng tôi cũng muốn giám đốc bệnh viện, hiệu trưởng, giáo viên phải dùng chung nhà vệ sinh với bệnh nhân, học sinh…Có như vậy, họ mới có trách nhiệm cải thiện nhà vệ sinh ở bệnh viện, trường học. Ở các nước phát triển họ rất coi trọng nhà vệ sinh, ngang như phòng khách chứ không phải xem là công trình phụ như ở mình.
(Bài 2: Một số giải pháp)