Lên kế hoạch xây mới hai sân bay khu vực miền Trung
Bất động sản - Ngày đăng : 04:57, 03/04/2023
Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26 ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, ưu tiên phát triển các tuyến đường bộ, đường sắt tốc độ cao, cảng hàng không, cảng biển, gắn với phát triển hành lang kinh tế vùng, tạo đột phá, phát triển nhanh, bền vững vùng, vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế vùng.
Theo kế hoạch, giai đoạn đến năm 2025 sẽ đầu tư xây dựng cảng hàng không Quảng Trị, từng bước nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Chu Lai để hình thành trung tâm vận chuyển hàng hóa quốc tế. Đến năm 2030, sẽ nâng cấp cải tạo và nâng cao hiệu quả khai thác 9 cảng hàng không hiện có; đầu tư xây dựng cảng hàng không Phan Thiết và Quảng Trị, nghiên cứu khai thác lưỡng dụng cảng hàng không Thành Sơn và đầu tư một số sân bay chuyên dụng.
Về nguồn vốn, Bộ Giao thông Vận tải sẽ ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước; thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi; huy động vốn ngoài ngân sách đầu tư các cảng hàng không trong vùng gắn với đầu mối vận tải lớn. Tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương đầu tư kết cầu hạ tầng do Trung ương quản lý.
Hiện nay, cả nước đang khai thác 22 trong số 23 sân bay theo quy hoạch. Theo dự thảo quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Cục Hàng không trình Bộ Giao thông vận tải đề xuất: thời kỳ 2021-2030 cả nước có 30 sân bay, tầm nhìn đến năm 2050 cả nước có 33 sân bay.
Cụ thể, thời kỳ 2021-2030, cả nước hình thành 30 sân bay (tăng 2 sân bay so với dự thảo quy hoạch được Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng vào cuối năm 2021 do bổ sung sân bay Thành Sơn và Biên Hòa) bao gồm: 14 sân bay quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 14 sân bay quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo).
Còn 2 sân bay quốc nội Thành Sơn và Biên Hòa được hình thành từ việc chuyển đổi các sân bay quân sự Thành Sơn và Biên Hòa sang khai thác lưỡng dụng theo mô hình cảng hàng không.
Tầm nhìn đến năm 2050, hình thành 33 sân bay bao gồm 30 sân bay trong giai đoạn 2021-2030 và có thêm sân bay Hải Phòng, Cao Bằng và sân bay thứ hai ở phía Đông Nam hoặc phía Nam Hà Nội. Trong đó vị trí, các chỉ tiêu quy hoạch dự kiến của sân bay thứ hai của Hà Nội sẽ được nghiên cứu, xác định giai đoạn trước năm 2030.